Theo đến cùng việc thực hiện lời hứa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 8/11. Ảnh: TL

Giật mình và rùng mình

Một trong những “món nợ” lời hứa mà đại biểu Quốc hội truy vấn nhiều nhất liên quan đến ban hành văn bản pháp luật và thủ tục “hành là chính”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) là: "rất hay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm" khi đại biểu Trân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết quan điểm về việc nhiều doanh nghiệp phản ánh nếu doanh nghiệp làm chậm, làm sai so với quy định của pháp luật thì bị xử phạt, chế tài rất nghiêm, nhưng nhà nước chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc ban hành văn bản không khả thi thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh, dù tác động đến doanh nghiệp và người dân là rất lớn.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) dẫn chứng vẫn còn 13/129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực pháp luật trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản cụ thể. Cá biệt, có văn bản nợ 2 năm 9 tháng. Phúc đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết là việc tồn tại đã lâu, đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Theo đến cùng việc thực hiện lời hứa
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về quản lý thuốc lá điện tử. Ảnh: TL

Được mời phát biểu thêm về tình trạng này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu lên những thực tế mà ông thấy “giật mình” và “rùng mình”. Theo Phó Thủ tướng, “trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, có 2 từ được nhắc đến nhiều nhất là "chậm" và "chưa". Các đại biểu đã đưa ra những thông tin rất “giật mình”, ví dụ có tới hơn 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật có hiệu lực. Chính phủ xin nhận khuyết điểm rất lớn và cố gắng khắc phục thời gian tới”.

Ông Quang đồng thời kể lại một lần ông thấy “rùng mình”: “Bí thư một tỉnh phía Bắc đã nắm tay tôi và cảm ơn vì chúng tôi đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng làm đường giao thông. Đồng chí nói phải qua 24 thủ tục hành chính mới được giải quyết. Thực sự tôi “rùng mình” với thông tin này. Ở nơi này, nơi kia vẫn không muốn phân cấp, vẫn muốn “ôm” quyền. Nếu không phải vì lợi ích thì cũng vì sợ mất quyền lực. Chính phủ đã lập 26 đoàn kiểm tra 63 tỉnh, thành, tổng hợp được 513 điểm vướng, nhưng tới nay vẫn chưa thấy ai bị kiểm điểm, kỷ luật vì chậm”.

Nhanh như cao tốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận: “Đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình biến động nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong khi quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung còn qua nhiều khâu, nhiều cấp; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung.

Giữa những ngổn ngang của “chậm” và “chưa”, vẫn có những chuyển động rất nhanh như cao tốc. Thủ tướng cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần). Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động "vượt nắng, thắng mưa", "xua tan dịch bệnh", làm việc "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Theo đến cùng việc thực hiện lời hứa

Cắt đứt doanh nghiệp sân sau

Đại biểu Đỗ Huy Khánh đoàn (Đồng Nai): “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ giải pháp để tiếp tục điều tra các vụ án chống tham nhũng đảm bảo các tiêu chí không bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan người vô tội".

Bộ trưởng Bộ Công An - Tô Lâm: “Đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của Bộ Công an thời gian qua, trên cả 3 phương diện: phát hiện điều tra, xử lý các vụ điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; cải cách thủ tục hành chính, quản lý bằng pháp luật nhưng chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, không gây khó khăn, nhũng nhiễu.

Vừa qua ngành Công an đã kiến nghị rất nhiều lĩnh vực từ quản lý tài chính chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện, phòng chống buôn lậu..., qua đó đã sửa đổi rất nhiều quy định. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh rất nhiều quy định về kiểm soát quyền lực người đứng đầu, nhất là các địa phương; có chế tài mạnh mẽ cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để các đối tượng thao túng được nhiều cơ quan, như một số vụ án xảy ra thời gian qua”.