Đã có quy định rõ về điều chỉnh trị giá hải quan

Tại buổi công bố Sách Trắng 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa diễn ra mới đây, cơ quan hải quan đã trực tiếp đối thoại và trả lời các kiến nghị của các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, vấn đề liên quan đến điều chỉnh giá chuyển nhượng trong khai báo hải quan được các doanh nghiệp quan tâm. Có ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa người bán và người mua có giao dịch liên kết, có thể là các công ty liên kết trong một tập đoàn. Khi có sự điều chỉnh về giá, cơ quan hải quan hiện hành chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc điều chỉnh giá đó có cần phải sửa tờ khai không, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định giá trị hàng hóa. Các doanh nghiệp EuroCham khuyến nghị sửa các quy định để hướng dẫn chi tiết sửa đổi tờ khai hải quan trong trường hợp điều chỉnh giá đã được thỏa thuận giữa các tổ chức Việt Nam và nước ngoài.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diệu Hoa - Phó Trưởng phòng Trị giá hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết hiện nay, trong điều chỉnh trị giá hải quan mà tất cả các nước thành viên WTO đều phải áp dụng, có một quy định liên quan đến người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ đặc biệt này nếu trong trường hợp có ảnh hưởng đến giá thì sẽ phải xác định lại giá. Việc xác định lại giá tuân thủ theo 6 phương pháp xác định trị giá hải quan được quy định trong Hiệp định Trị giá (ACV).

Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, vận chuyển qua lại giữa các cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, vận chuyển qua lại giữa các cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bà Hoa cho biết, để nội luật hóa quy định tại Hiệp định Trị giá, tại Điều 7 Thông tư 39/2015/TT-BTC về trị giá hải quan và Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39 của Bộ Tài chính có quy định, người mua và người bán nếu có mối quan hệ đặt biệt và mối quan hệ này phải ảnh hưởng đến giá, khiến không thể hiện đúng giá của hàng hóa thì cơ quan hải quan sẽ phải kiểm tra giá kê khai của doanh nghiệp.

Trong trường hợp kiểm tra và thấy rằng giá kê khai của doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến giá, thì cơ quan hải quan chấp nhận giá kê khai của doanh nghiệp. Nếu trong trường hợp mối quan hệ đặc biệt đó có ảnh hưởng tới giá, thì cơ quan hải quan sẽ bác bỏ trị giá kê khai và xác định lại giá. Trong trường hợp doanh nghiệp có sự điều chỉnh về giá, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khai bổ sung và việc khai bổ sung này đã được quy định tại điều 20, Thông tư 39 có quy định rất rõ các trường hợp nào được khai bổ sung trong thông quan và sau thông quan khi thay đổi trị giá.

Thủ tục liên thông giữa các cảng đơn giản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Liên quan tới thủ tục và quy trình hải quan, các doanh nghiệp châu Âu cũng khuyến nghị thực hiện chính sách liên thông với thủ tục hải quan của các cảng để hàng hóa luân chuyển dễ dàng từ cảng này sang cảng khác (cả hiện tại cũng như giai đoạn 2 giữa các khu vực hải quan), trong trường hợp có yêu cầu về khai thác cảng hoặc tàu của người chuyên chở.

Trả lời vấn đề này, bà Bùi Thị Minh Hải - Phó Trưởng Phòng Giám sát, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đối với nội dung này, quy định pháp luật hiện hành tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi Thông tư 38) của Bộ Tài chính đã có cơ sở pháp lý và có hướng dẫn thực hiện thủ tục khai vận chuyển độc lập đối với trường hợp chuyển cảng.

Doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với cơ quan thuế và hải quan

Thông tin tại phiên đối thoại trong lễ công bố Sách Trắng 2023 của EuroCham, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các cục thuế, cục hải quan địa phương thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp, có các tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế. Vì vậy, những trường hợp kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp gắn với từng địa phương, các doanh nghiệp cần làm việc trực tiếp với các cơ quan thuế và hải quan tại địa phương sẽ hiệu quả hơn.

Bà Hải nhấn mạnh: “Thủ tục hải quan đối với trường hợp này hiện chúng tôi đánh giá là đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và mong muốn ngày càng tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp, hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo thông tư triển khai thực hiện thí điểm về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu quá cảnh trung chuyển, vận chuyển qua lại giữa các cảng container tại khu vực Cái Mép”.

Theo bà Hải, so với quy định hiện hành tại Thông tư số 38 thì quy định tại dự thảo trên sẽ giúp giảm các chỉ tiêu khi doanh nghiệp phải khai trên tờ khai và cũng cho phép sử dụng niêm phong của hãng vận chuyển chứ không phải là niêm phong của cơ quan hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hóa để giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng tăng cường các biện pháp giám sát thông quan sử dụng phương tiện kỹ thuật, bao gồm hệ thống GPS, hệ thống camera giám sát và hệ thống siêu định vị điện tử.

“Khi thông tư này được ban hành và thực hiện thí điểm, kết quả thí điểm sẽ là tiền đề để đánh giá hiệu quả chính sách tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh một số khu vực cảng biển như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và trên toàn quốc” - bà Hải thông tin.