Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam, xung quanh vấn đề này.

* PV: Thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tại một số địa phương cũng đã xảy ra hiện tượng sốt đất, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Theo tôi khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản, nhưng thị trường tăng nhiệt là có thể bởi các dấu hiệu như nguồn cung mới tiếp tục hạn chế so với nhu cầu/sức mua.

Thị trường bất động sản “tăng nhiệt” do nguồn cung hạn chế
Ông Nguyễn Hoàng

Ông Nguyễn Hoàng: Ở một vài địa phương, nhu cầu giao dịch chuyển nhượng đất nền tăng so với thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Đó là điều dễ hiểu khi nhiều người vẫn có điều kiện và nhu cầu mua bán đất nền.

Tuy nhiên, có sốt đất hay không cần phải xác minh lại. Không loại trừ nhiều lý do từ tin rao hoặc thông tin do môi giới đưa ra để tạo sóng cho những người muốn thoát hàng.

* PV: Dịch Covid-19 trong hai năm qua đã có tác động lớn tới thị trường bất động sản, nhưng nghịch lý là giá bất động sản vẫn tăng không ngừng, vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng: Nguyên nhân của việc tăng giá bất động sản là do nguồn cung mới (cả căn hộ và đất nền) còn giới hạn, trong khi đó nhu cầu vẫn rất tích cực (thể hiện ở tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới hàng quý vẫn ở mức 70 - 75%).

Do đó, các chủ đầu tư chủ động tận dụng tình trạng này, tăng giá lên mặt bằng mới để đạt lợi ích/hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng như chi phí tài chính, vật liệu xây dựng, lạm phát, chi phí đất…, các dự án được đầu tư tốt hơn để gia tăng chất lượng nhằm tăng tính cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngoài ra, nhiều dự án có giá bán tăng ở các giai đoạn bán hàng tiếp theo, có tiến độ xây dựng tốt, thậm chí sắp sửa bàn giao nhà.

* PV: Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản thời gian gần đây liệu có lo ngại về bong bóng bất động sản có thể xảy ra trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng: Theo tôi khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản, nhưng thị trường tăng nhiệt là có thể bởi các dấu hiệu như nguồn cung mới tiếp tục hạn chế so với nhu cầu/sức mua.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu mua bất động sản tích trữ, bảo toàn vốn và là kênh trú ẩn tài sản trước các áp lực lạm phát, lãi suất,…

Trên thực tế, giá đất tăng nhanh liên tục từ 2 năm nay bất chấp dịch bệnh là do sự thiếu minh bạch về thông tin,, việc chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật về kinh doanh bất động sản của các chủ đầu tư và người mua. Ngoài ra, do đồng tiền đổ vào bất động sản quá lớn, nhất là vốn ngân hàng cho vay mua nhà.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong năm 2022. Đâu sẽ là phân khúc thu hút dòng tiền?

Ông Nguyễn Hoàng: Đất nền các tỉnh giáp ranh/lân cận TP. Hồ Chí Minh (hoặc các tỉnh thành lớn) vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu, mặc dù nguồn cung mới có thể sẽ không bằng những năm trước do nhiều địa phương đang rà soát và siết chặt lại việc phân lô bán nền.

Căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Còn ở Đồng Nai và Long An, loại hình nhà gắn liền với đất (nhà phố/biệt thự/shophouse) sẽ là chủ đạo.

Riêng bất động sản thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ vẫn còn nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao từ năm 2019 về trước. Trong giai đoạn dịch bệnh và siết chặt giãn cách xã hội, xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, nhu cầu mặt bằng bán lẻ cũng bị hạn chế.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023, ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng vẫn có tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, bất động sản hạng sang và siêu sang tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi loại hình nhà ở vừa túi tiền đang ngày càng khan hiếm.

* PV: Xin cảm ơn ông!