Đó là nhận định của ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) khi trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh giải pháp phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.

*PV: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra, hơn 80% lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Theo ông, con số này nói lên điều gì?

- Ông Tô Xuân Phúc: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, xếp sau Thái Lan và Indonesia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên mang về 2,25 tỷ USD, tăng trên 34% so với kim ngạch XK cao su thiên nhiên năm 2016; XK sản phẩm cao su đạt 2,18 tỷ USD, tăng hơn 32,9% so với cùng kỳ và XK gỗ và sản phẩm gỗ cao su đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2016.

Phép tính sơ bộ cho thấy, mặc dù tỉ lệ sản phẩm cao su chỉ chiếm khoảng 18 - 20% tổng sản phẩm cao su thiên nhiên, nhưng mang lại kim ngạch 2,18 tỷ USD. Trong khi đó, XK cao su thiên nhiên (XK thô) chiếm tới 80% tổng sản lượng cao su, nhưng giá trị kim ngạch chỉ cao hơn so với XK sản phẩm cao su chỉ 70 triệu USD. Với phép so sánh này, chúng ta thấy rằng, XK sản phẩm cao su đã qua chế biến mang lại giá trị cao hơn nhiều so với XK thô.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, năm 2017 có 211 doanh nghiệp (DN) tham gia XK lốp ô tô, trong đó có 165 DN tư nhân, 10 DN nhà nước và 36 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu mới nhất (năm 2018) của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2016 có 456 đơn vị tham gia chế biến sản phẩm cao su.

Điều này cho thấy, khối DN tư nhân và DN FDI chiếm số lượng lớn, còn các DN nhà nước chưa chú trọng đến ngành cao su. DN tư nhân chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, quy mô sản xuất hạn chế, đồng nghĩa với chế biến sâu còn nhiều hạn chế.

Như vậy, với trên 80% cao su thiên nhiên của Việt Nam được XK, sự phát triển của ngành cao su hiện nay và trong tương lai có thể chịu tác động rất lớn từ các thị trường XK, đặc biệt từ Trung Quốc.

Tô Xuân Phúc

Ông Tô Xuân Phúc

*PV: Có ý kiến cho rằng, việc XK thô với nguyên liệu chủ yếu từ các hộ tiểu điền không được kiểm soát đã khiến cao su Việt Nam bị ép giá. Cho đến nay, thương hiệu và chất lượng sản phẩm của ngành cao su Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế. Ông bình luận gì về điều này?

- Ông Tô Xuân Phúc: Cạnh tranh mua bán gỗ cao su nguyên liệu đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Cạnh tranh, bao gồm cả một số hoạt động cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc một số DN trong ngành chế biến gỗ không tiếp cận với nguồn gỗ cao su nguyên liệu, đặc biệt là nguồn cung gỗ từ cao su đại điền. Nguồn cung từ các hộ tiểu điền cũng rất phức tạp.

Điều đáng lưu ý là hiện nay có 264.000 hộ tiểu điền chưa có cơ quan nào đại diện và kết nối các hộ này với nhau. Thiếu cơ quan đại diện cũng làm các hoạt động mua - bán giữa hộ tiểu điền và tư thương mang tính chất đơn lẻ dẫn đến tình trạng tư thương ép giá cao su.

Tại một một số nơi, hệ thống thương lái phát triển, thực hiện việc thu gom gỗ từ tiểu điền, sau đó bán lại cho các tư thương Trung Quốc. Khâu thương lái này cũng chưa có bất cứ cơ quan nào đứng ra quản lý, đang cực kỳ “lộn xộn”, cạnh tranh “bẩn” với nhau.

Cạnh tranh giữa các tư thương, giữa tư thương với các công ty thu mua của Nhà nước, với công ty tư nhân mà không kiểm soát được việc tổ chức về thị trường, về chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào - đây là vấn đề kỳ lớn của ngành cao su hiện chưa được giải quyết.

Còn giá của cao su hiện nay cũng như câu chuyện giá của dăm gỗ là do thị trường quốc tế quyết định và do chất lượng cao su thấp nên cao su Việt Nam bị ép giá, đẩy giá xuống.

*PV: Việt Nam XK số lượng lớn cao su sang Trung Quốc, trong khi đó đầu ra của nước này đang bị “thắt” lại. Ông đánh giá như thế nào về nút thắt đó và điều này có ảnh hưởng đến XK của Việt Nam?

- Ông Tô Xuân Phúc: Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ -Trung Quốc chắc chắn có tác động trực tiếp đến ngành chế biến gỗ của Việt Nam, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ cao su. Điển hình, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam XK sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 88.800 m3, thấp hơn nhiều so với con số 178.200 m3 trong cùng kỳ của năm 2017.

Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2018 lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 2.500 m3, tương đương với trên 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017. Sự sụt giảm đáng kể này rất có thể là phản ứng của các DN chế biến tại Trung Quốc khi các sản phẩm gỗ họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Mỹ do mức thuế mới.

*PV: Sức ép quốc tế đang ngày càng lớn dần và đã có những tín hiệu cho thấy ngành cao su đang phải đối mặt với những rủi ro do thị trường quốc tế mang lại. Ngành cao su nếu không chuẩn bị tốt thì sẽ bị tác động rất tiêu cực trong câu chuyện hòa nhập thị trường quốc tế. Vậy, thời gian tới cần có hướng nào để ngành cao su có thể tiếp cận với thị trường quốc tế tốt hơn, thưa ông?

- Ông Tô Xuân Phúc: Để ngành cao su phát triển bền vững, tiếp cận với thị trường quốc tế tốt hơn, điều này đặt ra vấn đề phải nâng cao vai trò của Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, chính quyền địa phương và một số tổ chức khác.

Hiệp hội có vai trò quan trọng trong việc kết nối các hộ trồng cao su với các thông tin thị trường. Hiệp hội cần đa dạng hóa kênh thông tin thị trường giá cả, không chỉ đơn thuần theo các kênh website của các hiệp hội mà cần có kênh thông tin phổ cập hơn đối với người dân. Dịch vụ nhắn tin qua điện thoại đang được áp dụng trong các mô hình cung cấp giá cả với cà phê và phân bón.

Đây có thể là một kênh thông tin thị trường giá cả hiệu quả đối với các hộ tiểu điền cao su. Hiệp hội, các DN cũng có thể tạo kênh kết nối trực tiếp với chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã nhằm chuyển tải thông tin thị trường tới các hộ dân trong địa bàn Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các hộ tiểu điền cũng có thể thành lập tổ, nhóm, hợp tác xã, cử đại diện ký hợp đồng tiêu thụ mủ trực tiếp với các DN chế biến. Các mô hình DN chế biến hợp tác với các hộ gia đình đã bắt đầu hình thành và đang được mở rộng trong ngành gỗ. Đây có thể là mô hình ngành cao su cần quan tâm phát triển.

Tôi nghĩ những yêu cầu của thị trường quốc tế rất quan trọng và ngành cao su thực sự cần phải tiếp cận nguồn thông tin này bởi hiện nay 80% sản phẩm ngành cao su được XK, do vậy nếu XK bắt buộc phải tuân thủ những yêu cầu của quốc tế. Theo đó, các DN XK cần tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của luật pháp quốc gia, bao gồm cả các quốc gia mà DN hiện đang đầu tư và các quy định của quốc tế mà Chính phủ đã cam kết.

Bên cạnh đó, ngành cao su và DN cần có chiến lược cụ thể, nhằm quản lý rủi ro về thị trường, tính pháp lý của sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung, chuyển từ tập trung XK các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thực hiện các bước này sẽ góp phần thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

XK cao su từ đầu năm 2018 đến nay tăng trưởng ổn định, nhưng giá có xu hướng giảm. Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2018, lượng cao su XK đạt 77.141 tấn, trị giá 99,1 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm hơn 28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Khánh Linh