Thị trường chứng khoán khởi sắc

Theo SSI Research, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một tháng khởi sắc khi VN-Index tăng hơn 40 điểm (+3,2%) lên mức 1.305,4 điểm vào phiên cuối cùng của tháng. Sự tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế duy trì ổn định với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và tín dụng tăng trưởng 16% trong năm 2025 của Chính phủ.

Tâm lý lạc quan cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường đã thúc đẩy dòng tiền mạnh mẽ hơn vào TTCK, giúp thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE đạt mức trung bình 14.300 tỷ đồng/phiên, cao nhất trong 6 tháng qua.

Đáng chú ý, trong tháng 2, thị trường chứng kiến sự tăng điểm trên diện rộng với nhiều nhóm ngành vượt trội hơn mặt bằng chung. Cụ thể, nhóm tài nguyên cơ bản tăng 18%, nhờ động lực từ các cổ phiếu thép hưởng lợi trực tiếp từ quyết định áp thuế chống bán phá giá thép Trung Quốc. Nhóm hóa chất tăng 11,1%, chủ yếu do sự phục hồi mạnh của các cổ phiếu cao su tự nhiên như PHR (+27%) và GVR (+16%).

Thị trường chứng khoán tháng 2 khởi sắc, nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh

Các nhóm phòng thủ như y tế (+4,5%) và điện nước (+2,8%) cũng đi lên, trong khi dầu khí tăng 6,2% dù chịu áp lực từ giá dầu giảm. Tuy nhiên, một số nhóm ngành đi sau thị trường chung, bao gồm viễn thông (-9,7%) và công nghệ thông tin (-7,7%) do ảnh hưởng từ xu hướng suy yếu của cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Bán lẻ (-2,4%) và hàng dịch vụ công nghiệp (-2,1%) cũng có diễn biến kém khả quan.

Tháng 2, bất động sản ghi nhận sức bật mạnh, trong đó bất động sản khu công nghiệp tăng 8,9% và bất động sản dân cư tăng 4,4%, trong khi nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tăng 7,2%. Nhóm tài chính cũng đồng loạt khởi sắc với bảo hiểm(+8,8%), chứng khoán (+8,8%) và ngân hàng (+3,4%).

Dòng tiền trên thị trường trở nên sôi động hơn với sự gia tăng mạnh của nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng tháng thứ 5 liên tiếp.

Trong tháng, khối ngoại bán ròng 9.600 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó 9.200 tỷ đồng thực hiện qua khớp lệnh, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm lên 16.100 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại giảm xuống còn 12,3% - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.

Hoạt động bán ròng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT (-1.300 tỷ đồng), VNM (-1.100 tỷ đồng) và MSN (-979 tỷ đồng), trong khi ở chiều ngược lại, GVR, GEX và TCH dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị quanh 250 tỷ đồng mỗi mã.

Ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, bán lẻ và thực phẩm đồ uống đang bị khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, trong khi nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp ghi nhận dòng tiền mua ròng tích cực.

Quỹ ngoại thu hẹp rút vốn

Về diễn biến dòng tiền, theo SSI Research, các quỹ ETF tiếp tục duy trì xu hướng rút ròng trong tháng 2 với giá trị -1.155,7 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng trong 2 tháng đầu năm lên -1.771,8 tỷ đồng, tương đương 3% tổng tài sản của các quỹ ETF vào cuối năm 2024. Dù vậy, mức rút vốn này vẫn thấp hơn 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán tháng 2 khởi sắc, nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh
Nguồn: SSI Research.

Một số quỹ ngoại thu hẹp quy mô rút ròng như: VanEck Vietnam ETF (-264 tỷ đồng) giảm đáng kể so với 3 tháng trước, hay Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (-6,3 tỷ đồng) chỉ rút ròng nhẹ. Trong khi đó, quỹ Fubon tăng giá trị rút ròng lên -254,9 tỷ đồng trong tháng 2.

Ở chiều nội địa, các quỹ trong nước chứng kiến trạng thái mua ròng chậm lại, với một số quỹ chuyển sang bán ròng, điển hình như DCVFMVN30 ETF (-433 tỷ đồng) và DCVFMVN Diamond ETF (-190 tỷ đồng) đảo chiều bán ròng sau 2 tháng hút vốn trước đó.

Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng ghi nhận rút ròng trong tháng 2, với tổng giá trị rút lần lượt là 826 tỷ đồng đối với các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam và 787 tỷ đồng đối với các quỹ đa quốc gia. Lũy kế 2 tháng đầu năm, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút 1.658 tỷ đồng. Tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam hiện chỉ chiếm 13,1%, mức thấp nhất từ năm 2015.

SSI Resreach chỉ ra rằng, sự suy yếu của chỉ số DXY có thể hạn chế áp lực bán ròng từ khối ngoại trong thời gian tới, tuy nhiên dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn ưu tiên các thị trường phát triển hơn. Do đó, TTCK Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Ngoài ra, xu hướng thị trường tại thời điểm hiện tại vẫn duy trì ổn định với kỳ vọng dòng tiền nội địa sẽ tiếp tục là động lực chính. Dòng tiền đang luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, trong bối cảnh định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn.

Theo SSI Research, cùng với định hướng tăng trưởng mạnh mẽ của Chính phủ, những yếu tố hỗ trợ như chính sách áp thuế phòng vệ đối với ngành thép, tháo gỡ pháp lý cho một số dự án bất động sản dân cư, triển khai hệ thống KRX hay Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tạo động lực cho thị trường trong thời gian tới.