lao động

Rất đông người lao động đến làm thủ tục nhận BHTN. Ảnh: Bùi Tư

Lao động thất nghiệp sẽ có xu hướng tăng

Báo cáo tháng 8/2020 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, tình hình dịch bệnh Covid -19 đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của một số ngành kinh tế. Tính đến hết tháng 8, ngành công nghiệp dệt may giảm 3,3% doanh thu so với cùng kỳ năm trước; ngành đồ uống giảm 16,5%; sản xuất phương tiện vận tải giảm đến 12,2% doanh thu. Một số ngành chịu tác động khá lớn như du lịch lữ hành giảm đến 42,2% doanh thu so với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm 96%, dịch vụ lưu trú giảm 54,5%.

Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tình trạng giãn việc, nghỉ làm luân phiên, tạm ngừng, sa thải vẫn có nguy cơ diễn ra mạnh nhất là ở các ngành dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, du lịch...

lao động
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Bùi Tư

Báo cáo của trung tâm cho thấy, trong tháng 8 có khoảng 9.000 lao động làm việc tại hơn 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến trung tâm đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tìm kiếm việc làm mới.

"Số lượng người tới đăng ký hưởng BHTN có tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại giảm so với tháng 7 và tháng 6. Nguyên nhân có thể là do sau một đợt giãn cách xã hội (tháng 3 và tháng 4) nên lượng hồ sơ bị dồn lại, tới tháng 5 và tháng 6 số lượng người đăng ký hưởng BHTN mới tăng đột biến" - ông Thành nói.

Mặc dù số lao động đăng ký hưởng BHTN có biến động qua các tháng, nhưng ở bình diện chung tỷ lệ này trung bình có tăng hơn so với năm 2019 khoảng 10%. Điều đó cho thấy dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.

Nhiều bất cập trong đào tạo lại cho lao động thất nghiệp

Chị Nguyễn Thị Tú, 45 tuổi (công nhân nhà máy in ở Hà Nội) đã thất nghiệp từ đầu mùa dịch. Chị Tú cho biết, chị nghỉ việc từ tháng 3, lúc dịch vừa bùng phát. Theo quyết định, chị được nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 9 tháng, đến nay chị đã nhận được 7 tháng BHTN, chị đang loay hoay tìm việc, nhưng tìm mãi vẫn chưa được việc.

"Giờ mình có tuổi rồi nên xin việc ở đâu cũng khó. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm xưởng in giờ cũng ít lắm, muốn chuyển đổi việc mà không có tay nghề. Đi học nghề thì giờ lớn tuổi rồi, học nghề gì cũng khó" - chị Tú chia sẻ.

Dù không phải là lao động phổ thông nhưng anh Nguyễn Văn Hòa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do bị mất việc. Vừa qua anh nghỉ làm cho công ty thiết kế ô tô, đã sắp hết thời gian hưởng BHTN mà anh vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.

"Xin việc trong thời điểm này quả là rất khó khăn. Tôi cũng có nghe trung tâm tư vấn về vấn đề học nghề chuyển đổi việc làm nhưng tôi không có nhu cầu vì các nghề đều là nghề ở trình độ sơ cấp không phù hợp với tôi" - anh Hòa chia sẻ.

Câu chuyện của anh Hòa cũng là câu chuyện chung của rất nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới, trong khi muốn học nâng cao tay nghề thì không được hỗ trợ.

Theo ông Vũ Quang Thành, chỉ có khoảng 30% lao động tới đăng ký hưởng BHTN là lao động phổ thông. Số còn lại là các lao động ở trình độ khác. Việc hỗ trợ học nghề chỉ phù hợp với một số lao động phổ thông vì các nghề học khá ít, thời gian học ngắn, chỉ là học sơ cấp không phù hợp với lao động có trình độ, kỹ thuật, tay nghề cao.

"Đây cũng là một hạn chế trong chính sách dạy nghề cho lao động thất nghiệp. Có lẽ sẽ cần phải nghiên cứu lại danh sách các nghề đào tạo và thời gian đào tạo để phù hợp với đại đa số nhu cầu lao động thất nghiệp" - ông Thành nói./.

Bùi Tư