Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp bán lẻ vẫn lỗ?

Việc giảm giá xăng dầu liên tiếp từ đầu tháng 7/2022 đến nay của liên Bộ Công thương - Tài chính được các chuyên giá kinh tế đánh giá, đây thực sự là “luồng gió mát” cho hoạt động sản xuất, kinh tế của doanh nghiệp phục hồi và đời sống dân sinh được cải thiện.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc giảm giá không hẳn là niềm vui. Trên Diễn đàn xăng dầu với hơn 30.000 thành viên, trong những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ chán nản, hai kỳ trước giá dầu lên, nay giá dầu giảm khiến cho doanh nghiệp càng bán càng lỗ, trong khi chiết khấu rất thấp, thậm chí bằng 0.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện một chuỗi đại lý bán lẻ xăng dầu ở Long An chia sẻ, trước đây, khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm thì chiết khấu bán hàng được đẩy lên do doanh nghiệp đầu mối xả hàng, có những lúc đỉnh điểm doanh nghiệp được chiết khấu đến 3.000 đồng/lít. Nhưng đến nay, tăng giá hay giảm giá doanh nghiệp bán lẻ đều lỗ…

Thị trường xăng dầu: Nguồn cung không thiếu, vì sao doanh nghiệp vẫn bán cầm chừng?
Nguồn: Liên Bộ Công thương - Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Theo phản ánh của nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam, tình trạng cắt chiết khấu, chiết khấu mức rất thấp với mặt hàng xăng, dầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương, khiến doanh nghiệp lại bị rơi vào cảnh bán hàng không đủ trang trải chi phí và bị lỗ.

Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường và sở công thương các tỉnh, thành phố cũng thừa nhận có tình trạng nhiều cây xăng, đại lý xăng dầu ở các địa phương đang tìm cách đối phó với cơ quan chức năng để hạn chế lượng bán ra là có thật.

Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết, Hậu Giang hiện có tổng số 233 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 7 thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng dầu đang hoạt động. Vừa qua, sau khi có thông tin một số cửa hàng hết xăng dầu, sở công thương thành lập đoàn khảo sát, tiến hành kiểm tra đối với 14 cửa hàng, trong đó có 6 cửa hàng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu. Đoàn đã lập biên bản và đề nghị các cửa hàng cam kết sớm nhập hàng và bán trở lại”- ông Huỳnh Thanh Phong nói.

Cần quy định chặt chẽ việc doanh nghiệp mua bán theo hợp đồng

Đề cập đến việc hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa ở nhiều nơi trong thời gian qua, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, đồng tình với Bộ Công thương khi cho rằng nguồn cung không thiếu, vì thực tế không có yếu tố khách quan nào tác động đến nguồn cung trên thế giới và trong nước. Hiện 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang hoạt động tối đa công suất. Còn những đầu mối lớn cũng đều khẳng định tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo cũng phân tích, có một số tác động sau 5 lần giảm giá, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trên thị trường có tình trạng chiết khấu giảm mạnh, đang từ mức 1.200 - 1.300 đồng/lít lúc giá xăng dầu ổn định, giảm về con dưới 100 đồng, thậm chí là 0 đồng.

Quy định chặt chẽ việc mua bán theo hợp đồng

“Thực tế, hàng trôi nổi xâm nhập vào hệ thống xăng dầu là có. Bộ Công thương đã cử đoàn đi kiểm tra, vấn đề bộ cần làm rõ là tính ràng buộc của hợp đồng. Vừa rồi các cơ quan chức năng cũng đã xử lý đường dây xăng dầu giả, xăng dầu lậu lớn. Những nguồn hàng đó đi vào thị trường không cần có hợp đồng, nên khi đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp muốn lấy thêm hàng từ nguồn chính thống rất khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công thương cần phải quy định chặt chẽ việc mua bán theo hợp đồng và tăng chế tài đối với việc không thực hiện hợp đồng”.

Ông Ngọc Bảo phân tích thêm, diễn biến giá lên xuống bất thường khiến các doanh nghiệp “chần chừ” để theo dõi giá thế giới. Doanh nghiệp có thể chỉ nhập khẩu đủ số lượng theo quy định để giảm tình trạng “càng bán càng lỗ”, chứ không có dôi dư. Xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá nhằm khắc phục tình trạng bán hàng cầm chừng.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên nhân khiến cho nguồn cung đứt gãy, bán hàng cầm chừng, đó là có hiện tượng doanh nghiệp mua bán xăng dầu không tuân thủ theo hợp đồng. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể mua bán theo hợp đồng một số lượng nhất định, còn lại mua ngoài, mua trôi nổi.

Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện và một trong những điều kiện quan trọng là yêu cầu phải có hợp đồng kinh tế. Hợp đồng này là thỏa thuận các bên về hoa hồng, hạn ngạch, rủi ro… Nếu đã có hợp đồng kinh tế thì không đầu mối, hay thương nhân phân phối nào không giao hàng theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước cũng dựa vào đó để biết được “đứt” ở khâu nào. Như vậy, diễn biến thị trường đang thể hiện việc thiếu chặt chẽ trong hợp đồng kinh tế giữa các bên; thể hiện hiện tượng mua bán hàng trôi nổi trên thị trường, bên cạnh việc mua từ các nguồn chính thức.