Tiếp tục thảo luận làm rõ vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển Thủ đô
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến nay, ban tổ chức đã nhận được từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các sở, ban, ngành, quận, huyện, các tỉnh, thành phố địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô 70 bài viết có hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận và nhìn nhận nhiều chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về các giá trị và nguồn lực văn hoá Thăng long - Hà Nội.

"Mỗi chữ, mỗi dòng trong các bài tham luận đều tràn đầy tâm huyết, thể hiện trách nhiệm, tình yêu của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội" - ông Hà Minh Hải nêu rõ.

Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, thành phố Hà Nội mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển; tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đã được khẳng định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thay mặt ban tổ chức, ông Hà Minh Hải đề nghị đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung để làm rõ 4 nhóm vấn đề sau: Thứ nhất, luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Thứ hai, nhận diện các nguồn lực văn hoá, luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chuyển hoá nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hoá để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo; kiểm đếm, đánh giá, số hoá di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hình thành nguồn tài nguyên nhân văn, để cùng với nguồn tài nguyên số là những nguồn tài nguyên của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có giá trị và quan trọng nhất cho phát triển xanh, phát triển bền vững.

Tiếp tục thảo luận làm rõ vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển Thủ đô
Các đại biểu tham quan trưng bày trong khuôn khổ hội thảo.

Thứ ba, các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo"; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; phát triển Hà Nội thành Thủ đô thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện; trong đó, đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hội thảo hôm nay là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn; để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, thành phố mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển; tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như đã được khẳng định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đặc biệt trong năm 2023, thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; lập Quy hoạch Thủ đô; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của Nhà nước Âu Lạc vào đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.