Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 của Bộ Tài chính đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp, biện pháp cần thực hiện đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để đạt mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra, đảm bảo đúng quy định Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2023.

Theo đó, chương trình đã đưa ra yêu cầu: THTK, CLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi với sự tham gia của tất cả công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2023 của các đơn vị không thấp hơn mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình 2023 của Bộ Tài chính và quy định trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2023, được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đối với từng lĩnh vực, Bộ Tài chính cũng đưa ra từng nội dung cụ thể làm căn cứ để các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình THTK, CLP cho đơn vị mình. Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc chú trọng vào các nội dung: cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước; sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội thảo, hội nghị, nghiên cứu, khảo sát; tiết kiệm điện, xăng, dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công của ngành Tài chinh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công của ngành Tài chinh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, ngoài việc phân bổ vốn đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngoài việc yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ sắp xếp xử lý nhà, đất, tài sản ở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để sai phạm, lãng phí, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đây chính là cơ sở để tổ chức khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và từng bước nâng cấp Cơ sở dữ liệu tài sản ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia và yêu cầu quản lý đặc thù đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu đã đề ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai ngay việc xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2023 của đơn vị và phải đảm bảo các nội dung: thể hiện rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực quản lý; quy định cụ thể biện pháp phòng, chống và hạn chế lãng phí các nguồn lực trong thực hiện hoạt động của đơn vị; phân công rõ người chịu trách nhiệm từng khâu, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo và công chức viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ.

Đưa kết quả về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào tiêu chí xem xét kết quả thi đua, khen thưởng

Bộ Tài chính yêu cầu đưa kết quả về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị và việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo vào tiêu chí xem xét kết quả thi đua, khen thưởng và đánh giá mức độ hoàn thiện nhiệm vụ của công chức viên chức và người đứng đầu đơn vị; đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết hàng năm của tất cả các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Hàng năm, đơn vị sử dụng ngân sách các cấp thuộc Bộ Tài chính đánh giá kết quả THTK, CLP trong chi thường xuyên, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tài chính theo đúng quy định.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể (giao chỉ tiêu) liên quan đến THTK, CLP, trong đó, xây dựng kế hoạch và tập trung tổ chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực, công trình, dự án trọng điểm, theo chức năng nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị cấp dưới trực thuộc.

Đối với những vi phạm được phát hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu đơn vị để xảy ra lãng phí, sai phạm.

Bộ Tài chính yêu cầu người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện chế độ công khai theo đúng quy định của pháp luật, tập trung thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính theo quy định.