Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể trong nhiệm kỳ mới của Công Việt Nam

Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở

Phát biểu tại phiên họp trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ngày 2/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ). Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh…”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc chăm lo công đoàn viên phải cụ thể, chu đáo, thiết thực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Theo Tổng Bí thư, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, NLĐ diễn ra trong bối cảnh có nhiều điểm đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ và hoạt động của Công đoàn.

Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của NLĐ diễn ra trên diện rộng, số NLĐ phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho NLĐ. Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, từ đó tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vai trò đại diện của tổ chức công đoàn thể hiện trước hết ở việc tích cực tham gia xây dựng chính sách, luật pháp, tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy lao động ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để truyền tải mong muốn, nguyện vọng, phát huy cao nhất quyền làm chủ của NLĐ, kịp thời giám sát giải quyết, kiến nghị giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của NLĐ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể, mở rộng diện bao phủ thỏa ước lao động tập thể, mang lại lợi ích cho NLĐ.

Quán triệt các nghị quyết của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm trọng điểm các mặt công tác, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra. Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ.

“Những thành tựu đó không chỉ là kết quả của nỗ lực phấn đấu của một số người mà là của toàn bộ cán bộ, công nhân lao dộng, của tổ chức Công đoàn, là minh chứng khẳng định vai trò vị trí, trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ.

Đơn cử như: mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt vẫn chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát, năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với NLĐ. Chất lượng đội ngũ NLĐ cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Còn không ít những đoàn viên, NLĐ có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp, NLĐ....

Tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho người lao động

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình cơ bản với báo cáo chính trị của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII. Đồng thời, gợi mở, nhấn mạnh thêm 5 vấn đề đối với Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc chăm lo công đoàn viên phải cụ thể, chu đáo, thiết thực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc chăm lo công đoàn viên phải cụ thể, chu đáo, thiết thực

Một là, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt rằng, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội, không phải tổ chức kinh tế, hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN do Đảng Công sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vừa là tổ chức chính trị xã hội, vừa là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, Công đoàn cần tích cực phối hợp với nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của NLĐ. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải huy quyền làm chủ của NLĐ, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa - ổn định - tiến bộ.

Hai là, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.

Ba là, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời cho câu hỏi NLĐ vào công đoàn để làm gì, có quyền lợi gì? Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho NLĐ.

Luôn luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, y tế, đời sống, sinh hoạt..., bảo đảm an toàn cho NLĐ. Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế ngừng việc tập thể, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động công nhân làm những hành vi trái pháp luật.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của NLĐ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, không phải đi bước một, làm phải có chiến lược.

“Tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Việc chăm lo công đoàn viên phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ, hiểu rõ niềm vui, nỗi buồn của người đoàn viên, NLĐ và gia đình họ để từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ NLĐ ngoài khu vực nhà nước để đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức công đoàn” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc chăm lo công đoàn viên phải cụ thể, chu đáo, thiết thực
Các đại biểu tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028

Thứ 4, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình, tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn để phù hợp với cơ chế, cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu nguyện vọng của công nhân, NLĐ và yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện NLĐ ngoài công đoàn tại doanh nghiệp…, Công đoàn các cấp cần xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động, quan tâm thí điểm một số mô hình mới để thu hút tập hợp đoàn viên, NLĐ.

Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, từng NLĐ, lớn mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong hoạt động của công đoàn, cần đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở, coi trọng cải cách hành chính, kiên quyết chống quan liêu và bệnh hình thức, bệnh hành chính trong công tác hoạt động công đoàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ, xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Như thế, mới là định hướng XHCN, mới là XHCN”.

Thứ 5, với vị thế là tổ chức chính trị xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết, công đoàn phải phát huy vai trò và làm tốt hơn nữa chức năng trong việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ và tổ chức công đoàn.

Các cấp Công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Đồng thời, ăng cường giới thiệu và bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên, ưu tú, xuất sắc, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong các đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

"Để đáp ứng công tác chỉ đạo, hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, công tác cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc luật pháp, am hiểu công tác công đoàn, có kỹ năng phương pháp vận động quần chúng tốt, có năng lực xử lý tình huống để dẫn dắt truyền cảm hứng cho đoàn viên, NLĐ tốt hơn nữa, sâu và hiệu quả cao hơn nữa"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.