Rừng dầu tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà thuộc Vinafor

Rừng dầu tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà thuộc Vinafor

Theo đó, Vinafor sẽ tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 21/4/2016 tới đây tại HNX với mức giá khởi điểm 10.100đ/cp.

Đấu giá 24,3 triệu cổ phần Vinafor

Trong quá trình xây dựng và phát triển, hoạt động sản xuất và kinh doanh suốt 20 năm qua, Vinafor luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Đặc biệt, Vinafor đã bảo toàn vốn rất tốt và khi có chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, tổng công ty là doanh nghiệp luôn đi đầu. Theo đó, tổng công ty đã chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ cho phép cổ phần hóa trước lộ trình 2 năm và đã được chấp thuận. Trong một thời gian rất ngắn, tổng công ty đã thực hiện nhanh chóng các bước như xác định giá trị doanh nghiệp, công khai minh bạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược… để đưa vào phương án cổ phần hóa.

Một trong những bước quan trọng để tổng công ty hoàn thành phương án cổ phần hóa là mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) công ty mẹ - Vinafor vào ngày 21/4/2016. Theo đó, Vinafor sẽ chào bán 24.342.700 cổ phần, tương đương 6,95% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Trong lần IPO này, nhà đầu tư nước ngoài được mua 24.342.700 cổ phần.

Đồng thời, Vinafor cũng sẽ chào bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên, chào bán cổ phần cho công đoàn tổng công ty. Vốn điều lệ Vinafor sau cổ phần hóa đạt 3.500 tỷ đồng. Song song đó, Vinafor sẽ chào bán 140 triệu cổ phần, tương đương 1.400 tỷ đồng theo mệnh giá (40% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược.

Hiện tại, theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược của Vinafor là Công ty Tập đoàn T&T. Theo đó, T&T sẽ mua 140 triệu cổ phần Vinafor, chiếm 40% vốn điều lệ công ty và thời điểm thực hiện giao dịch diễn ra sau đợt IPO. Mức giá mua cổ phần sẽ không thấp hơn mức giá đấu thấp nhất trong phiên IPO.

Sau cổ phần hóa, Vinafor chỉ còn nắm giữ 14 đơn vị trực thuộc, 13 công ty con, 29 công ty liên kết. Đáng chú ý, Vinafor hiện đang sở hữu 30% cổ phần tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Khoản đầu tư này có giá trị 1.119 tỷ đồng, chiếm 71% danh mục đầu tư dài hạn của Vinafor.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ Vinafor cho thấy, trong 3 năm gần đây, doanh thu của tổng công ty năm 2013 đạt 866 tỷ đồng, năm 2014 đạt 1.046 tỷ đồng và năm 2015 đạt 1.203 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 - 2015 đạt từ 155 tỷ đồng đến 170 tỷ đồng.

Hấp dẫn với nhiều quỹ đất

Thực tế hiện nay tổng công ty đang sở hữu quỹ đất vô cùng hấp dẫn. Trước khi cổ phần hóa, Vinafor thuê 12 tỉnh, thành trên cả nước khoảng 923.835.169 m2 đất, trong đó, đất phi nông nghiệp là 1.916.124 m2.

Sau cổ phần hóa, tổng diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh của Vinafor tại 12 tỉnh, thành phố khoảng 43.450 ha, bao gồm 43.400 ha đất nông nghiệp và gần 50ha đất phi nông nghiệp. Trong đó, có khá nhiều khu đất hấp dẫn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Định…

Cùng với đó, trong nhiều năm qua, Vinafor đã thành công và đang đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, Vinafor đang triển khai hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 thực hiện dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor Hà Đông - Hà Nội. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 998 tỷ đồng, dự kiến hoàn thiện vào quý IV/2017 và Vinafor sẽ được quyền sử dụng khoảng 3.100 m2 sàn.

Bên cạnh đó, Vinafor cũng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà văn phòng đại diện Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại 5 - 7 Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định với tổng mức đầu tư dự án là 34,2 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2016.

Được biết, Vinafor đã xây dựng và duy trì vị trí nòng cốt trong ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Công ty hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng rừng và chăm sóc rừng; khai thác gỗ; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác; kinh doanh gỗ nhập khẩu; kinh doanh gỗ nguyên liệu từ rừng trồng; cho thuê văn phòng, kho bãi… Song song đó, Vinafor đi đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, trong lĩnh vực sản xuất và chế biến ván nhân tạo đánh dấu sự chuyển đổi việc hoàn toàn sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng. Việc chuyển đổi này rất có ý nghĩa, góp phần phát triển và sử dụng rừng một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững, tạo thêm các sản phẩm đa dạng, có giá trị cao thoả mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vinafor được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 667/TCLĐ ngày 4/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với quy mô hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Năm 1997, Vinafor đã được Chính phủ xếp hạng là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt. Kể từ khi thành lập đến nay, Vinafor đã đạt được sự tăng trưởng vững chắc qua từng năm.
Vinafor là một tổng công ty đa sở hữu, đa lợi ích. Vinaforr có các đơn vị thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập, các đơn vị hạch toán phụ thuộc, các công ty TNHH một thành viên, các công ty cổ phần chi phối, các công ty cổ phần không chi phối, các công ty liên doanh với nước ngoài, các chi nhánh và văn phòng đại diện.

Nam Khánh