Sửa Luật Thanh tra: Tránh sự can thiệp vào hoạt động của đoàn thanh tra Thủ tướng và 4 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại Quốc hội Hôm nay 5-11, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

9 tháng đầu năm thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng

Trong phiên chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn (Đắk Nông) nêu câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp khi công tác phòng chống tham nhũng quyết liệt nhưng thu hồi tài sản còn thấp; tham nhũng nhiều lĩnh vực còn phức tạp. Ngoài ra, tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đang làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.

Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết ngăn chặn, thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã đôn đốc thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, xử lý hơn 4.800 cá nhân, thi hành án 1.800 vụ việc. "Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp", lãnh đạo ngành Thanh tra thừa nhận.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng Thanh tra cho biết từ tháng 6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thực hiện Chỉ thị 04, tăng cường xử lý sau thanh tra, chủ động kê biên, phong tỏa tài sản, tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý những vụ có yếu tố nước ngoài. "Khi vụ án xảy ra, đối tượng nộp lại tiền sẽ được xem xét về thời gian thi hành án", Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.

Tổng Thanh tra Chính phủ: Mong đại biểu và cử tri giúp giám sát cán bộ thanh tra

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Về vấn đề công tác phối hợp thanh tra còn để trùng lắp, ông Đoàn Hồng Phong cho biết các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có phối hợp nhưng thực tế vẫn còn xảy ra chồng chéo. Hai cơ quan đã ban hành quy chế phối hợp từ khâu xây dựng kế hoạch. Quá trình thanh tra nếu phát hiện trồng chéo giữa thanh tra bộ ngành với địa phương mà không xử lý được sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tổng Thanh tra nêu rõ, luật trước đây chưa quy định về xử lý chồng chéo, nhưng luật sắp tới sẽ có 5 điều về việc này. Trong tương lai, một nội dung hoạt động của tổ chức cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra, kiểm toán. Về lâu dài, kiến nghị hoàn thiện luật theo hướng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra.

Đề cập đến tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) chất vấn về trách nhiệm trong công tác thanh tra của Tổng thanh tra Chính phủ và giải pháp căn cơ để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra những doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% cổ phần Nhà nước. Còn các đối tượng thanh tra của doanh nghiệp có dưới 50% cổ phần Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì thuộc đối tượng thanh tra chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước. Thanh tra Chính phủ mới chỉ tiến hành một cuộc thanh tra đối với ngân hàng tư nhân là ngân hàng đại chúng do việc này được Thủ tướng giao.

Về kết quả thanh tra trong hoạt động ngân hàng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung nhiều chính sách bất cập, sơ hở, dễ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.

Lấy ví dụ điển hình là quá trình thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp năm 2011, Tổng Thanh tra cho biết cơ quan thanh tra đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đề nghị cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xét xử hàng chục cán bộ ngân hàng và của cơ quan có liên quan.

Tổng Thanh tra Chính phủ: Mong đại biểu và cử tri giúp giám sát cán bộ thanh tra
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn

Dư luận đánh giá cán bộ thanh tra còn phiền hà, nhũng nhiễu

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn lãnh đạo ngành Thanh tra là tình trạng vi phạm đạo đức công vụ. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi về tình trạng vi phạm đạo đức công vụ và đánh giá của Tổng thanh tra Chính phủ về đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, đặc biệt như vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra còn phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân. Ông Đòan Hồng Phong dẫn lại nhận xét của Chủ tịch nước về tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra và khẳng định sẽ rà soát, khắc phục tình trạng này.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi từ ngày nhậm chức, Tổng Thanh tra Chính đã tự mình chủ động chỉ đạo thanh tra các vụ tham nhũng trong ngành thế nào, kết quả ra sao? Tuy nhiên, trong phần trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ chưa trả lời vào nội dung cụ thể.

Do đó, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đã giơ biển tranh luận đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời cụ thể về số lượng cán bộ công chức, viên chức trong ngành thanh tra và quan điểm của ông về đạo đức công vụ của cán bộ ngành thanh tra. Đại biểu cũng chất vấn thêm: “Tại sao Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ công chức chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết vấn đề tham nhũng?”.

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết cán bộ trong ngành thanh tra đã chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra sai phạm, điển hình như vụ thanh tra ở Bộ Xây dựng, sự cố đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, chính ở Thanh tra Chính phủ có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý hình sự.

Từ thực tế đó, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ ngành thanh tra như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở. Vào tháng 7 vừa qua, trên cơ sở sự giám sát của Ủy ban kiểm tra Trung Ương, Thanh tra Chính phủ đã ban ngành Nghị quyết 45, quy định nâng cao chất lượng và tiến độ, kết luận thanh tra, trong đó có quy định các điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm, như không được nhận tiền, quà, không được giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với đối tượng thanh tra.

"Tôi mong đại biểu và cử tri giúp giám sát cán bộ đoàn thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý", Tổng Thanh tra đề nghị và cho biết thêm tới đây, cơ quan này sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra để đề cao trách nghiệm và ngăn chặn sai phạm trong ngành thanh tra, mà theo Tổng Thanh tra là "rất nhạy cảm, rất khó khăn".

Về vấn đề có hơn 200 trên tổng số 400 cán bộ làm công tác thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết ngoài những cán bộ thanh tra trực tiếp, những cán bộ còn lại làm công tác tham mưu như văn phòng, vụ kế hoạch tổng hợp, vụ tổ chức cán bộ. Con số này đã được tính toán và tổ chức chính xác, ông khẳng định.

Đã kiến nghị xử lý nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng

Phát biểu trước khi bước vào phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thông qua công tác thanh tra, ngành đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Ngành thanh tra cũng kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, sai phạm. Đặc biệt, dưới chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực.