Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp: Minh bạch tài chính, tăng thu hút đầu tư |
Đó là thông tin tại Hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp" Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức ngày 25/7.
Theo ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, đến năm 2024, các công ty nông nghiệp đã thực hiện khoán gần 114.000 ha, tương đương khoảng 25,69% tổng diện tích đất nông nghiệp của các công ty đưa vào sử dụng.
Việc giao khoán đã có tác động tích cực như khắc phục tình trạng hoang hóa đất đai trở lại và cải tạo vườn cây trong các công ty nông nghiệp đã xuống cấp vào những năm 90, đáp ứng mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương tham gia cùng với các công ty nông nghiệp, nhà nước đầu tư vốn, sức lao động. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, vườn cây, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, các công ty nông nghiệp đang giao khoán đất theo 2 hình thức là giao khoán đất nông nghiệp và giao khoán vườn cây.
Đến năm 2024, cả nước có 121 công ty nông nghiệp, được nhà nước giao, cho thuê là 478.039 ha đất. Căn cứ vào quy định về giao khoán và điều kiện thực tế, các đơn vị đã áp dụng nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của đơn vị và khả năng của bên nhận khoán.
Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, công tác khoán thời gian đã tạo ra nhiều việc làm, ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Khảo sát, phỏng vấn tại 4 tỉnh, tổng thu nhập bình quân 1 hộ nhận khoán là 299,06 triệu đồng/hộ/năm; trong đó thu nhập từ nhận khoán của công ty nông nghiệp là 192,09 triệu/năm, thu nhập từ làm nông nghiệp khác là 85,17 triệu đồng/năm, thu nhập ngành nghề khác là 21,8 triệu đồng/năm.
![]() |
Các công ty nông nghiệp đã thực hiện khoán gần 114.000 ha đất nông nghiệp. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, công tác khoán vẫn còn nhiều hạn chế đó là các văn bản quy định pháp luật về khoán có nhiều thay đổi, làm cho bên khoán và bên nhận khoán gặp vướng mắc trong thiết lập hồ sơ và thực hiện chuyển tiếp ký lại hợp đồng khoán. Tình trạng khoán không đầu tư (khoán trắng), hoặc đầu tư thấp còn tồn tại ở nhiều công ty nông nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và công ty nông nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý khoán, nhất là trong việc xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm hợp đồng khoán. Công tác bàn giao đất về địa phương gặp nhiều khó khăn...
Kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo nút thắt giao khoán trong các công ty nông nghiệp, theo TS. Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, để giải quyết vấn đề trước mắt và về lâu dài, các chính sách phải quan tâm đến đối tượng người dân, sau sắp xếp đổi mới, phải đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, không bỏ ai ở lại phía sau.
Sau khi sắp xếp chính quyền 2 cấp, cần kiên quyết thực hiện Kết luận số 103-KL/TW ngày 02/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Nếu công ty không có khả năng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 30, có thể giải thể, chuyển thể theo đúng pháp luật, đúng quy hoạch, đặt lợi ích của người dân lên trên. Đồng thời, nghiên cứu để chuyển đổi mô hình từ các hộ, cá nhân, lao động nhận khoán, lao động nhận khoán, cá nhân nhận khoán trở thành cổ đông, người lao động trong công ty nông nghiệp...
Ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, đối với các công ty nông, lâm nghiệp, thách thức là còn tồn tại trong khâu sử dụng đất hiện nay, bao gồm cả các tồn tại trong các hoạt động khoán đối với hộ. Cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản được sản xuất trên các diện tích đất nông, lâm nghiệp và cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon rừng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các tồn tại trong khâu sử dụng đất, bao gồm tồn tại trong các hình thức khoán, được giải quyết triệt để. |