Diễn đàn công nghiệp sản xuất là một trong những sự kiện mở đầu cho chuỗi hội thảo tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 tại Việt Nam về Máy công cụ và giải pháp gia công kim loại (METALEX Vietnam 2025), sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/10/2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp tăng hiệu quả quy trình sản xuất. Ảnh: Đỗ Doãn
Các diễn giả chia sẻ giải pháp tăng hiệu quả quy trình sản xuất. Ảnh: Đỗ Doãn

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hồng Quân - Giám đốc Thương mại, RX Tradex Vietnam cho biết, việc Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam công bố sẽ áp mức thuế 20% với một số mặt hàng, cùng mức 40% cho sản phẩm bị nghi ngờ trung chuyển từ nước thứ ba sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng cao, áp lực minh bạch nguồn gốc và rủi ro mất đơn hàng.

Cùng lúc, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xuất xứ, chất lượng và quản trị bền vững. Trước bối cảnh này, doanh nghiệp cơ khí - chế tạo Việt Nam không chỉ cần nâng cấp máy móc, mà còn phải chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch chuỗi cung ứng và nâng tầm năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu liên tục biến động, ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chiến lược, đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Không chỉ là nền tảng cho nhiều ngành sản xuất, cơ khí - chế tạo còn là động lực tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ.

Tại sự kiện, các diễn giả đã phân tích tác động của môi trường kinh tế - thương mại toàn cầu đến ngành sản xuất trong nước; Chia sẻ hành trình thực tế từ gia công sang thiết kế, phát triển sản phẩm và thương hiệu; Cập nhật công cụ, chính sách và cơ hội kết nối nhằm mở rộng chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.

Ông Hồ Ngọc Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Automech nêu 4 khó khăn trong việc chuyển đổi từ hoạt động thương mại, kinh doanh sang sản xuất. Đó là tổ chức cơ sở để thực hiện sản xuất như nhà xưởng, máy móc thiết bị đầu tư; các tiêu chuẩn về quy trính sản xuất; kế nữa là nhân sự khi chỉ trong thời gian ngắn phải có lượng nhân sự lớn để phục vụ sản xuất, nên cần quy trình quản trị hiệu quả; thứ tư là khó khăn chuyển đổi tư duy từ bán hàng sang sản xuất.

"Trong sản xuất có hai vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là chất lượng và tiến độ. Do vậy, muốn chuyển đổi từ bán hàng sang sản xuất thì điều cốt lõi là phài kiên trì, đồng thời phải có tư duy giải pháp thay vì chỉ có tư duy sản phẩm như trước đây'' - ông Hồ Ngọc Toàn nói.

Tìm giải pháp gia tăng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo ông Trần Bình Minh - đồng sáng lập và là Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GCool, doanh nghiệp sản xuất quạt trang bị động cơ công nghệ mới tiết kiệm hơn hẳn so với các loại quạt hiện tại trên thị trường, cho rằng doanh nghiệp sản xuất phải làm chủ được công nghệ.

Vị doanh nhân này cũng chia sẻ các yếu tố quan trọng trong phát triển sản phẩm và thương hiệu, câu chuyện tạo thương hiệu, sản phảm cho riêng doanh nghiệp mình, với mục tiêu chất lượng và giá thành hợp lý, các hoạt động từ thiết kế cho đến đưa sản phẩm quạt ra thị trường. ''Điều quan trọng là phải làm chủ công nghệ'' - Phó Tổng Giám đốc Gcool nhấn mạnh.

Trong bối cảnh công nghệ toàn cầu liên tục biến động như hiện nay, sự kiện diễn đàn công nghiệp sản xuất cùng với chuỗi hội thảo tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 tại Việt Nam về Máy công cụ và giải pháp gia công kim loại chủ đề ''Tái định vị ngành cơ khí Việt Nam: Từ gia công sang phát triển sản phẩm và thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu'' sắp tới được đánh giá sẽ giúp ngành chế biến - chế tạo Việt Nam gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng trong cơ cấu công nghiệp và GDP quốc gia.