Ảnh: The Richest
Làm cách nào mà Google có thể dành được nhiều vốn như thế để mua lại tất cả những công ty đó? Với Google, doanh thu chính đến từ cả hai mảng di động và quảng cáo trực tuyến.
Nhắc đến Google là nhắc đến dịch vụ tìm kiếm trên Internet được sử dụng (miễn phí) rộng rãi bởi hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỉ người dùng Internet trên toàn thế giới. Nhờ công cụ tìm kiếm phổ biến (và đơn giản) như thế, hãng có thể làm quảng cáo tới một lượng rất lớn người dùng. Nhưng dù Google thực sự có kiếm được hàng chục tỉ USD mỗi năm, hãng vẫn chỉ thực hiện các thương vụ mua bán theo những chiến lược nhất định chứ không chỉ ngó quanh và vung tiền mua bất kỳ công ty nào mà không cân nhắc giá trị của công ty đó với chính hãng.
Google tập trung tìm kiếm cơ hội mua lại các công ty có lợi cho hãng về mặt lâu dài. Dĩ nhiên, số tiền hàng chục tỷ USD dành cho các thương vụ này đều là để mở rộng và tăng cường các dịch vụ của Google cũng như để góp phần phát triển tập đoàn vốn giàu kếch xù này. Bên cạnh đó, Google cũng tìm kiếm các cơ hội xây dựng các công ty khởi nghiệp nhỏ, nhưng cuối cùng cũng là để hỗ trợ cho chính hãng.
Dưới đây là top 10 thương vụ thâu tóm lớn nhất của Google :
10. dMarc Broadcasting – 102 triệu USD
Google mua lại công ty quảng cáo dMarc Broadcasting với mức giá 102 triệu USD. Đây có vẻ như là một cái giá không hề nhỏ, nhưng với Google thì đó chỉ là một khoản tiền túi lẻ. Lí do Google mua lại công ty này là vì hãng đang cần dịch vụ phát thanh để phục vụ kế hoạch thương mại quảng cáo trên radio. Thương vụ này mang lại cho hãng một phương thức đơn giản quảng cáo qua sóng phát thanh.
9. On2 Technologies – 125 triệu USD
Google mua lại On2 Technologies vào năm 2010. Trước đó, năm 2009, Google quyết định quay trở lại với dịch vụ streaming video trực tuyến và nhìn ra được cơ hội kiếm bộn tiền từ dịch vụ này. Tại thời điểm đó, On2 Technologies đã được biết đến là công ty cung cấp các giải pháp nén video cho các thiết bị di động với những khách hàng như Sony, Adobe, hay Skype. Việc mua lại công ty này giúp Google nắm trong tay các phương pháp nén video. Không chỉ có thế, hãng cũng kiếm thêm được doanh thu từ những khách hàng vốn có của On2 Technologies.
8. Slide.com – 180 triệu USD
Google mua lại Slide.com vào năm 2010. Khi đó, Slide.com là một công ty phát triển các ứng dụng truyền thông xã hội với một vài ứng dụng rất phổ biến và ngay lập tức rơi vào tầm ngắm của Google khi gã khổng lồ tìm kiếm này quyết định bước chân vào lĩnh vực mạng xã hội.
Google coi những kinh nghiệm và hiệu quả của Slide.com là một phần đáng giá đối với mạng xã hội do chính hãng xây dựng dưới cái tên Google+. Tuy nhiên, chính Slide.com sau đó đã trở thành một trong những thương vụ thất bại hiếm hoi của Google. Công ty này dừng hoạt động và buộc phải đóng cửa chỉ sau đó 2 năm vào năm 2012.
7. Admeld – 400 triệu USD
Admeld là một công ty chuyên tối ưu hóa các hoạt động quảng cáo có trụ sở tại New York và được Google mua lại vào năm 2011. Gã khổng lồ tìm kiếm thực hiện thương vụ này nhằm tối ưu hóa chính dịch vụ quảng cáo của hãng nhằm tăng doanh thu. Tại thời điểm đó, Admeld đã nổi tiếng với những khách hàng chính như Weather Channel (Kênh Thời tiết) và Fox News. Hiện tại, Google đang trong giai đoạn hợp nhất Admeld với một công ty lớn khác cũng do Google mua lại là DoubleClick.
6. Postini – 625 triệu USD
Vụ mua lại Postini được Google xúc tiến vào năm 2007. Được thành lập năm 1999, Postini tập trung vào lĩnh vực bảo mật truyền thông, ví dụ như bảo mật các tin nhắn, thiết lập và triển khai các chính sách bảo mật lên người dùng. Sản phẩm và dịch vụ của Postini được ứng dụng cho trên 30.000 hạng mục kinh doanh trên toàn thế giới.
Sau khi được mua lại, Postini trở thành một mảng hoàn chỉnh của Google. Gã khổng lồ tìm kiếm đã kết hợp các tính năng bảo mật truyền thông của Postini, giúp các ứng dụng của hãng trở nên bảo mật hơn bao giờ hết. Người dùng các dịch vụ email, chat hay các nền tảng khác của Google có thể sử dụng thêm Google Positni Services như là một công cụ bảo mật bổ trợ.
5. ITA Software – 700 triệu USD
Google mua lại ITA Software vào năm 2010, khi đó đang là công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm chuyến bay nổi tiếng khắp thế giới. Với thương vụ này, Google đã tiếp cận được công nghệ để tổ chức lịch bay, giá vé và các dữ liệu khác, qua đó cho phép hãng bước chân vào ngành công nghiệp du lịch. Kết quả là Google có thể cung cấp hệ thống của mình cho khách hàng là các hãng hàng không và các đại lý du lịch.
Động thái của gã khổng lồ tìm kiếm này tham vọng đến mức nhiều tên tuổi lớn khác như Microsoft và Hotwire cũng phải bắt đầu xúc tiến kế hoạch ra mắt các gói giải pháp của riêng mình. Ngày nay, hầu hết những sản phẩm tìm kiếm thông tin du lịch của Google đều được phát triển và vận hành dựa trên phần mềm hãng mua lại được từ ITA.
4. Admob – 750 triệu USD
Khi được Google mua lại năm 2009, Admob đang là một trong số những công ty quảng cáo trên thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tại thời điểm đó, trước tình hình mảng thiết bị di động trở thành cơ hội đầu tư quá béo bở với nhiều công ty Internet, Google đã tìm kiếm một công ty nào đó để mua lại nhằm giúp hãng phát triển các ứng dụng di động và Admob là cái tên được nhắm tới. Đây là một trong số những công ty quảng cáo kinh nghiệm nhất và vụ mua bán đã diễn ra êm thấm. Thêm vào đó, cả hai công ty đều thực sự hưởng lợi rất nhiều từ thương vụ này. Admob tiếp tục phát triển và thành công, trong khi Google thì đạt được những bước tiến rất dài trong lĩnh vực quảng cáo di động.
3. YouTube – 1,65 tỷ USD
Năm 2006, Google thành công trong việc mua lại Youtube, website số một thế giới cho phép tải lên các đoạn video clip. Đây cũng là một trong số những website phổ biến nhất trên mạng. Đạt được thỏa thuận một trong những vụ mua bán đắt đỏ nhất lịch sử, Google đã bước chân vào lĩnh vực trò chơi điện tử online một cách rất hiệu quả những cũng rất tốn kém. Tại thời điểm năm 2006 đó, Youtube đã khẳng định được vị thế của một trong những website nổi tiếng nhất thế giới tới mức Google không thể không nhìn thấy cơ hội kiếm tiền tuyệt vời từ việc bán quảng cáo trên trang web này. Cả Google và Youtube đều có liên quan và nhận được khá nhiều vốn đổ vào từ một tổ chức đầu tư tên là Sequoia Capital.
2. DoubleClick – 3,1 tỷ USD
Google mua DoubleClick năm 2008 trong một thỏa thuận đánh bại thương vụ kỉ lục hai năm trước khi hãng mua lại Youtube. Vu mua bán này cũng mang một ý nghĩa sống còn với Google khi hãng và Microsoft cùng cạnh tranh nhau khốc liệt để giành lấy DoubleClick, công ty cung cấp nền tảng quảng cáo trực tuyến.
Được thành lập năm 1995, DoubleClick đã xây dựng được cho mình một thương hiệu đáng nể sau khi trụ vững được trước con bão bong bóng ”dot com”. Giá trị của DoubleClick tăng dần theo những lời đề nghị được đưa ra bởi Microsoft và Google. Ngay khi Google thành công trong cuộc ganh đua này, hãng có thể sử dụng công nghệ quảng cáo cũng như là các mạng lưới khách hàng của DoubleClick. Trong số những khách hàng cũ của DoubleClick có thể kể tới America Online và MySpace. Sản phẩm DoubleClick dành cho những khách hàng này là phần mềm tiên tiến nhất, cho phép hỗ trợ tăng doanh thu đáng kể cho những website này.
1. Motorola Mobility – 12,5 tỷ USD
Thương vụ đắt đỏ nhất cho tới giờ của Google là vụ mua lại Motorola Mobility vào năm 2012. Motorola từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng trong thế giới điện thoại di động với chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên ra mắt năm 1983. Motorola cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng thông tin di động.
Theo Google, hãng dự định điều hành Motorola Mobility như một bộ phận riêng. Lí do Google mua Motorola Mobility là để đẩy mạnh thành công của hệ điều hành Android của mình. Đây là kế hoạch nằm trong chiến lược di động tổng thể của hãng. Với trị giá của thương vụ này lên tới 12,5 tỷ USD, sẽ là một cú sốc nếu Google tiếp tục mua một công ty nào khác với trị giá lớn hơn thế. Tuy nhiên, cho tới giờ, với Google thì không gì là không thể./.
Quốc Kiên (Theo The Richest)