Hòn Ngọc bị lãng quên

PV: Theo ông, bán đảo Thanh Đa được xem là khu có vị trí đắc địa nhưng nguyên nhân cốt lõi nào khiến cho khu này vướng quy hoạch “treo” suốt mấy thập niên qua?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Nếu nhìn rộng ra tổng thể, bán đảo Thanh Đa và bán đảo Thủ Thiêm là hai khu vực có giá trị vừa là quỹ đất, vừa là cảnh quan, vừa là tiềm năng phát triển trên tuyến sông Sài Gòn. Tôi cho rằng, đây là hai khu vực điểm nhấn quan trọng của quy hoạch sông Sài Gòn sắp tới cần có sự lưu tâm đặc biệt.

Được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn uốn quanh, bán đảo Thanh Đa thuộc phường 27, 28, quận Bình Thạnh có một quỹ đất rộng hiếm hoi gần trung tâm của TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, quỹ đất của khu vực bên kia sông Thanh Đa cũng là khu vực khá tiềm năng, lâu nay có phát triển nhưng mang tính tự phát, lộn xộn và thiếu quy hoạch tốt.

Bài toán “hồi sinh” bán đảo Thanh Đa?
Được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn uốn quanh, bán đảo Thanh Đa thuộc phường 27, 28, quận Bình Thạnh có một quỹ đất rộng hiếm hoi gần trung tâm của TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Lạc Nguyên)

Tuy đường đi vào Thanh Đa chỉ có một tuyến đường độc đạo nối với quốc lộ 13 ách tắc giao thông thường xuyên, nền thấp và đất yếu, đều là những nguyên nhân hàng đầu, khiến cho Thanh Đa khó thu hút đầu tư trong mấy thập niên qua, nhưng cũng chính những điều kiện khó khăn này đã giúp cho chúng ta giữ được quỹ đất và giá trị xanh của Thanh Đa cho đến ngày nay.

Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để khai thác quy hoạch Thanh Đa xứng tầm trong tương lai, mở ra cơ hội chỉnh trang thành khu đô thị nhiều không gian xanh mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

PV: Một số ý kiến đề xuất cho rằng nên quy hoạch Thanh Đa thành công viên, ông nghĩ sao?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Hiện nay, thành phố dự định tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch cho Thanh Đa. Nhưng trước đó, thành phố cần phải nêu rõ định hướng chiến lược cho Thanh Đa và vùng phụ cận.

Việc đề xuất Thanh Đa chủ yếu là công viên, hoặc chủ yếu là khu đô thị cao tầng, đều là hai cách nhìn tương phản, nhưng lại hơi phiến diện. Chúng ta nên nhìn Thanh Đa trong một bố cục tổng thể, có không gian xanh và không gian đô thị sinh thái, trong tương quan liên kết chặt chẽ không gian đô thị hai bên sông.

Việc ưu tiên dành quỹ đất rộng cho không gian xanh tại Thanh Đa là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang rất thiếu không gian xanh. Chúng ta chỉ có 0,55m2 không gian xanh trên đầu người. Nếu muốn tăng lên 10m2 không gian xanh trên đầu người, thì Thanh Đa là một trong những khu vực quan trọng phải dành diện tích khá lớn cho không gian xanh để nhanh chóng đạt tiêu chí tăng 20 lần.

Tôi hoàn toàn tán đồng ý với ý tưởng nên dành một diện tích khá lớn cho không gian xanh tại Thanh Đa. Tuy nhiên, tôi cho rằng đề xuất này cần đi kèm với yếu tố kinh tế đô thị theo hai định hướng.

Thứ nhất, không gian xanh không chỉ là một công viên đơn thuần, mà phải là không gian xanh mang tính chất năng động của một trung tâm sinh hoạt ngoài trời về văn hoá, kinh tế xã hội…. của TP. Hồ Chí Minh.

Thanh Đa cần có quy hoạch xứng tầm. Xứng tầm ở đây phải đi từ những phân tích điều kiện cụ thể của Thanh Đa, để đưa ra những đề xuất đột phá, nhưng phải phù hợp và khả thi, tránh tình trạng làm cho quy hoạch mới lại bị “treo” tiếp trong thời gian dài như Thủ Thiêm, mà nguyên nhân chính là do chỉ tập trung vào quy hoạch bán đảo, nhưng lại thiếu những đề xuất có tầm nhìn xa về quy hoạch trong tương quan kết nối với khu đô thị hiện hữu bờ bên kia sông.

Thứ hai, quỹ đất Thanh Đa hiện đang có giá trị rất cao. Vậy để sử dụng sao cho vừa xanh, vừa hiệu quả cao về kinh tế xã hội, thì ngoài nhu cầu diện tích xanh cần thiết, cần phải tối ưu hóa việc quy hoạch diện tích đô thị trên quỹ đất tại Thanh Đa và tại khu vực bên kia sông, nhằm mang lại nguồn thu tương xứng để “nuôi sống” được không gian xanh này, và để tạo được nguồn vốn bổ sung cho việc xây dựng các tiện ích hạ tầng đi kèm và công trình công cộng trên toàn khu vực một cách hiệu quả.

Hay nói đúng hơn chúng ta phải nói đến hai mặt của vấn đề, một mặt cần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững với nhiều không gian xanh. Mặc khác cần sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị còn lại để mang lại nguồn thu nuôi sống mục tiêu đó. Trong đó, phần quy hoạch đô thị chỉnh trang, phải hướng đến mục tiêu giúp người dân hiện hữu đang sống ở Thanh Đa có cuộc sống tốt hơn, và phần quy hoạch đô thị mới tại Thanh Đa, phải hướng đến mục tiêu an cư lạc nghiệp với mật độ vừa phải, nhưng mang tính chất sinh thái xanh và hiện đại.

Bài toán “hồi sinh” bán đảo Thanh Đa?
Thanh Đa cần có quy hoạch xứng tầm. (Nguồn ảnh: Lạc Nguyên)

Giải bài toán Thanh Đa

PV: Vậy, để phát huy hết giá trị, thế mạnh của bán đảo Thanh Đa, hiện thực hóa ước mơ biến khu vực này trở thành “hòn ngọc” của thành phố, thì cần phương án quy hoạch ra sao, thưa ông?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Thứ nhất, để giải bài toán quy hoạch Thanh Đa, chúng ta không thể chỉ nhìn hạn hẹp trong ranh giới Thanh Đa, mà phải nhìn rộng hơn trong tương quan tổng thể không gian đô thị bên này bán đảo và bên kia sông. Tức là, ranh giới nghiên cứu quy hoạch không phải là bờ sông của Thanh Đa, mà cần phải tính từ các trục giao thông huyết mạch ở xung quanh, ở bên kia sông, bao gồm: trục quốc lộ 52 - xa lộ Hà Nội hướng về phía Bắc và nối ra biển, trục quốc lộ 13 nối lên Bình Dương, trục Phạm Văn Đồng nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và Đồng Nai. Ranh giới nghiên cứu quy hoạch này có chu vi 19 km, diện tích 2.146 ha.

Bài toán “hồi sinh” bán đảo Thanh Đa?

Hình Bản đồ Hiện trạng Thanh Đa bên sông Sài Gòn, trong tương quan với Khu Trung tâm TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn 2024)

+ Ranh giới nghiên cứu quy hoạch: chu vi 19 Km, diện tích 2.146 ha

+ A: Khu trung tâm hiện hữu TP. Hồ Chí Minh bờ Tây - 930 ha

+ B: Khu trung tâm đô thị mới TP. Hồ Chí Minh bờ Đông - Bán đảo Thủ Thiêm – 730 ha

+ C: Bán đảo Thanh Đa

+ 1: Trường Thọ - Khu Trung tâm tương lai của TP. Thủ Đức

+ 2: Khu Đô thị An Phú

+ 3: Khu Đô thị Linh Đông

+ 4: Khu Đô thị Hiệp Bình Chánh

+ 5: Khu Đô thị Cầu Kinh

+ 6: Khu Đô thị Chỉnh trang Thanh Đa

Thứ hai, địa thế của Thanh Đa là vùng thấp ngập nước nhiều, trong bối cảnh biến đổi khí hậu nước biển dâng thì đây là một thử thách lớn khi chúng ta phát triển đô thị, cần cân nhắc việc quy hoạch dành nhiều không gian cho nước (bao gồm sông hồ kênh rạch, không gian xanh thấp trũng để thu nước, hồ điều tiết và không gian thu nước ngầm), không nên quá tham lam phát triển bê tông hóa và cao tầng hóa theo một số phương án mà nhà đầu tư đề xuất trước đây. Thanh Đa hiện có nền thấp và đất yếu, nên chúng ta chỉ tập trung nâng nền cao hơn cho các khu vực xây dựng công trình, còn phần không gian xanh vẫn nên để nền tự nhiên, khi có triều cường lên cũng không sao, mà ngược lại còn giúp cân đối sinh thái trong khu vực.

Thứ ba, khu vực nội thành ven sông Sài Gòn có hai bán đảo rất quan trọng, là Thủ Thiêm và Thanh Đa, giống như hai mặt âm – dương của đô thị. Một bên (Thủ Thiêm) đã thiên về kinh tế - tài chính và phát triển cao tầng, thì bên còn lại (Thanh Đa) nên thiên về đô thị xanh, sinh thái, và hoạt động văn hoá cộng đồng và xã hội… Bán đảo Thanh Đa nên được phát triển theo định hướng khác biệt so với bán đảo Thủ Thiêm. Đối lập với Bán đảo Thủ Thiêm là khu vực có nhà cao tầng nhất Thành phố, thì thế mạnh của Thanh Đa lại không nên là nhà cao tầng, mà là đô thị xanh kết hợp với không gian xanh mặt nước.

TP. Hồ Chí Minh: Bài toán “hồi sinh” bán đảo Thanh Đa?
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Thứ tư, điểm yếu của Thanh Đa chỉ có một con đường độc đạo nối vào, cho nên khi chúng ta quy hoạch, chắc chắn cần phải làm từ 4 đến 6 cây cầu nối vào Thanh Đa, tạo nên những cơ hội và động lực mới, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển các khu đô thị trên bán đảo Thanh Đa và tại các khu bên kia sông của Thanh Đa:

Khu cảng Trường Thọ trong tương lai sẽ được di dời để xây dựng khu trung tâm đô thị của TP. Thủ Đức. Đây sẽ là vùng xây dựng cao tầng nhất của toàn bộ khu, có trục kết nối giao thông đường bộ và metro, nối từ xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 sang Thanh Đa và đi sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án Trường Thọ có thể tham khảo một điển cứu tương tự rất thành công của TP. London, là Quy hoạch Khu Trung tâm Canary Wharf của SOM.

Khu Đô thị An Phú có thể đầu tư các cụm nhà cao tầng nhìn về Thanh Đa và thấp dần về phía sông, có cầu nối sang Thanh Đa.

Khu Đô thị Linh Đông là khu dân cư ven sông rạch và khu đô thị đại học, đổi mới sáng tạo, kết nối liên hoàn với Khu Đô thị Trường Thọ.

Khu Đô thị Hiệp Bình Chánh được chỉnh trang và nâng cấp, song song với việc khai thác quỹ đất để phát triển các cụm nhà cao tầng ven sông.

Khu đô thị Cầu Kinh được chỉnh trang trong tương quan dành ưu tiên cho việc khơi thông tuyến Quốc Lộ 13 và bổ sung hạ tầng xã hội cho cộng đồng dân cư.

Khu dân cư hiện hữu Thanh Đa được chỉnh trang nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết hợp với việc đầu tư xây dựng một số khu tái định cư, giúp cho việc giải phóng mặt bằng, hình thành quỹ đất phát triển Khu Đô thị xanh và sinh thái C trên bán đảo Thanh Đa.

Nói ngắn gọn, theo tôi, định hướng chiến lược cần thiết mà Thanh Đa đang cần, là biến những khó khăn và những mặt còn hạn chế của Thanh Đa thành lợi thế phát triển và thu hút đầu tư, hình thành nên bản sắc độc đáo đặc thù cho Thanh Đa.

PV: Xin cảm ơn ông!

"Để giải bài toán quy hoạch Thanh Đa, chúng ta không thể chỉ nhìn hạn hẹp trong ranh giới Thanh Đa, mà phải nhìn rộng hơn trong tương quan tổng thể không gian đô thị bên này bán đảo và bên kia sông" - TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn.