TP. Hồ Chí Minh: Giảm thiểu tình trạng “tăng giá theo lương” nhờ bình ổn thị trường
Hàng ưu đãi giảm giá tại siêu thị TP. Hồ Chí Minh: Ảnh: Sơn Nam

Bình ổn cung - cầu

Thực tế đã cho thấy, tăng giá hàng hóa khi lương tăng là một tiền lệ xấu, khi không ít người tự cho mình quyền tăng giá bán, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục đối mặt với khó khăn chung của kinh tế thế giới khi lạm phát tăng cao, doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực ở chiều ngược lại, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt, những ngày qua, phản ánh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tình hình giá cả vẫn cơ bản ổn định, không có sự đột biến. Nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, đa dạng chủng loại, không khan hiếm.

Tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường, có niêm yết giá hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường thành phố, hiện tại trên địa bàn chưa phát hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ nâng giá các mặt hàng thiết yếu.

Theo phản ánh của người dân, một số loại hàng thực phẩm truyền thống như thịt, trứng, rau củ quả… và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại các khu dân sinh có mức tăng nhưng không đáng kể so với tháng 6/2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trên là do xu thế chung của thị trường và theo quy luật hàng năm khi bước vào mùa mưa ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân.

Đặc biệt, riêng với TP. Hồ Chí Minh, các nhà quản lý và các chuyên gia cho rằng, tình hình giá cả cơ bản ổn định thời điểm này là do hiệu quả “kép” của chương trình bình ổn thị trường do thành phố này đã chủ động triển khai trước đó.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, trên 7.000 hoạt động khuyến mãi, với đa dạng hình thức kích cầu tiêu dùng.

Thông qua chương trình này, hầu hết các doanh nghiệp đồng loạt đưa sản phẩm ra thị trường với giá ưu đãi đã tạo làn sóng lan tỏa trên thị trường, hạn chế được tình trạng "tăng giá theo lương."

Theo các chuyên gia, thay vì chiến lược tăng giá thì nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cho thấy hoạch định kế hoạch tăng doanh số bán hàng, mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm hơn.

Một yếu tố tác động tích cực cùng thời điểm dành cho người dân và doanh nghiệp, từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, chính sách mới được xem là sự chia sẻ lớn với người dân và doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh chính sách này còn góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày.

Ghi nhận ngay trong những ngày đầu tháng 7/2023, khi đến các siêu thị mua sắm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân rất phấn khởi vì bên cạnh các chương trình khuyến mãi hàng hóa phong phú, các hóa đơn thanh toán đã được giảm thuế VAT 2%.

Tăng cường kích cầu, chủ động kiểm soát

Những tháng đầu năm 2023, trước tình hình sức mua thị trường yếu, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn "làn sóng" tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân.

TP. Hồ Chí Minh: Giảm thiểu tình trạng “tăng giá theo lương” nhờ bình ổn thị trường
Hàng hóa thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Về phần mình, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chủ động lên phương án tăng cường một số giải pháp phối hợp, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, với chức năng nhiệm vụ được giao, đơn vị đã và đang tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị chức năng trên địa bàn các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về giá đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng chức năng, TP. Thủ Đức và các quận,huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với hành vi: đầu cơ, găm hàng, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm về quy định ghi nhãn, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Ngoài ra, phân công kiểm soát viên thường xuyên theo dõi trên các mạng xã hội zalo, facebook, Instagram, viber... nắm tình hình địa bàn quản lý, phối hợp công tác thẩm tra xác minh nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời theo quy định.

Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân tăng lên tiềm ẩn khả năng giá cả hàng hóa tăng giá, nguy cơ lạm phát bùng phát. Ðể ngăn ngừa tình trạng này, TP. Hồ Chí Minh đang chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong đó, bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào, cân đối cung - cầu thị trường; ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá công khai tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, dịch vụ.