Ngày 1/5: Giá gas và dầu thô đồng loạt giảm
Giá dầu thô hôm nay tiếp đà giảm thêm 1% khi sản lượng dầu thô của Mỹ tăng. Ảnh tư liệu

Giá dầu tiếp đà giảm 1%

Ghi nhận trên Oilprice lúc 4h30 ngày 1/5/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 81,55 USD/thùng, giảm 0,85% (tương đương giảm 0,70 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 87,87 USD/thùng, giảm 0,61% (tương đương giảm 0,54 USD/thùng).

Giá dầu giảm 1% vào hôm nay, kéo dài mức lỗ từ hôm qua, do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng, cũng như hy vọng về lệnh ngừng bắn của Israel-Hamas.

Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 2 từ mức 12,58 triệu thùng/ngày trong tháng 1, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu tăng lên 4,66 triệu thùng/ngày từ 4,05 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, giá dầu có thể giữ trên 80 USD/thùng trong năm nay, khi các nhà phân tích điều chỉnh dự báo cao hơn do kỳ vọng rằng nguồn cung sẽ làm chậm nhu cầu trước xung đột ở Trung Đông và việc cắt giảm sản lượng của nhóm sản xuất OPEC+.

Giá gas giảm 0,61% xuống mức 1,94 USD/mmBTU

Mở cửa phiên giao dịch sáng 1/5/2024 (giờ Việt Nam), giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm 0,61% xuống mức 1,94 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.

Tại châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giảm do dự đoán nhu cầu yếu, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung giảm bớt do căng thẳng ở Trung Đông.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích của Rystad Energy cho biết, khả năng leo thang nhanh chóng (căng thẳng ở Trung Đông) dường như đã giảm bớt nhưng vẫn chưa biến mất.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Higashidori 1,1 gigawatt (GW) của Nhật Bản có thể thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu thay thế bao gồm cả khí đốt tự nhiên.

Song nhìn chung, dù có một số tín hiệu tăng giá vào mùa hè, nhưng rủi ro tăng giá vẫn bị hạn chế do nhu cầu yếu ở các khu vực định giá.

"Giá LNG giao ở châu Âu và Đông Bắc Á đã giảm trở lại sau đợt tăng gần đây, với mức giảm ở cả hai thị trường phần lớn là do giá khí đốt ở các trung tâm châu Âu yếu hơn khi kỳ vọng về nhu cầu sưởi ấm trong khu vực suy yếu” - một chuyên gia phân tích.

Dù Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga nhưng một lượng đáng kể vẫn đang chảy vào khối này.

Cách quan trọng để EU giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga là tăng nhập khẩu LNG từ các nước như Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, điều này vô tình dẫn đến làn sóng LNG Nga giảm giá sâu tràn vào khối.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU. Nhập khẩu LNG từ Nga chiếm 16% tổng nguồn cung LNG của EU trong năm 2023, tăng 40% so với lượng LNG Nga bán cho EU năm 2021./.