Theo báo cáo của ban soạn thảo, dự thảo luật đã bổ sung một số điểm mới so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13 - Luật số 69) để phù hợp yêu cầu thực tiễn như xác định cụ thể phạm vi nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp theo những lĩnh vực, ngành nghề, mục tiêu, yêu cầu đầu tư vốn (Điều 21), nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước (Điều 22), hình thức đầu tư vốn vào doanh nghiệp (Điều 23) gồm: đầu tư bổ sung vốn là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện bổ sung vốn vào doanh nghiệp đã có vốn góp của nhà; đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện đầu tư vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc đầu tư vốn vào doanh nghiệp chưa có vốn góp của nhà nước để trở thành doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.

Theo ban soạn thảo, những nội dung quy định nêu trên để khắc phục bất cập về khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp cũng như nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang có sự chồng chéo, lẫn lộn, chưa được xác định cụ thể.

TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Hội thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

Những nội dung quy định nêu trên nhằm khắc phục bất cập tại Luật số 69/2014/QH13 hiện nay chưa được quy định cụ thể về xác định phạm vi các ngành, lĩnh vực đầu tư vốn, gặp rất nhiều khó khăn trong việc Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, chưa đảm bảo nguyên tắc linh hoạt, kịp thời; hình thức đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp mới xác định chỉ thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chưa bao quát được trường hợp Nhà nước cùng các nhà đầu tư khác đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp.

Các hình thức đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp đang hoạt động, bổ sung vốn để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước, đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp về bản chất chỉ là hoạt động Nhà nước đầu tư bổ sung vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp.

Dự thảo luật cũng quy định rõ quy trình, thủ tục, phân công rõ nhiệm vụ các cơ quan, hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm tra đối với việc báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo cập nhật một số lĩnh vực mới mà Nhà nước cần đầu tư vốn tại doanh nghiệp; luật hóa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện chủ sở hữu… về quản lý nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề có liên quan trước Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan…

Ông Minh cũng nhấn mạnh, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Ông Bùi Tuấn Minh cũng tóm tắt khái quát nội dung dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp các nội dung chính của luật (gồm 9 chương, 92 điều(, với nhiều quy định mới và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, trong phạm vi điều chỉnh của luật đề cập đến quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với nguyên tắc, Nhà nước được xác định là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp, việc xác định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.

TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lạc

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cho rằng qua 10 năm thực hiện Luật 69 vẫn còn nhiều bất cập, do đó cần thiết phải ban hành luật mới thay thế cho Luật 69 mà không cần sửa đổi bổ sung, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

“Xác định TP. Hồ Chí Minh là một địa bàn có doanh nghiệp nhà nước đang chịu tác động rất nhiều bởi dự luật này. Do đó, buổi hội thảo sẽ lấy ý kiến nhiều chiều từ các doanh nghiệp để làm rõ các vấn đề còn vướng mắc hoặc những ý kiến chưa đồng thuận trước khi ban hành dự thảo lấy ý kiến rộng rãi toàn dân” - ông Hải phát biểu.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.