TP. Hồ Chí Minh: Ưu tiên dành nguồn lực tương xứng cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Toàn cảnh khu sinh quyển huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sơn Nam

Nhiều thách thức trong tiến trình Net Zero

Theo phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh, cần phải nắm bắt đúng xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới, cùng với đó là những giải pháp cho bài toán vốn, chi phí đầu tư và doanh thu, lợi nhuận và phục vụ đúng yêu cầu của người tiêu dùng… đang đặt ra thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam. Bởi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động tự đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 trên 10 quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á, với diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 174.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, thị phần của nông sản hữu cơ Việt Nam trên thế giới còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Theo số liệu trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.

Mặt khác, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế giảm phát thải sẽ đòi hỏi sự chuyển mình của toàn bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế của người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới.

Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và cả người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

TP. Hồ Chí Minh với xu thế tất yếu

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh và gần đây, Quốc hội có Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý về thể chế, để TP. Hồ Chí Minh có điều kiện hơn khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Vì vậy, không thể “tự thân vận động” của lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, TP. Hồ Chí Minh mong muốn có sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước.

“TP. Hồ Chí Minh đang rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất, tiêu dùng và ở đó, doanh nghiệp là trung tâm, được tiếp cận chính sách này và doanh nghiệp là người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi. Vì vậy, thành phố mong muốn luôn nhận được nhiều ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện định hướng và thể chế chính sách cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung dành nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh, xây dựng nguồn nhân lực xanh, có những cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư để thành phố triển khai chuyển đổi xanh, phát triển nhanh hơn và đúng hướng, bền vững.

Theo ông Mãi, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong mục tiêu chung tiến đến trung hòa carbon đến năm 2050. Vì vậy, thành phố đã chọn huyện Cần Giờ để xây dựng thí điểm trước và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch “Cần Giờ không phát thải đến năm 2030”, tập trung vào chuyển đổi các phương tiện thuỷ bộ trên địa bàn sử dụng nhiên liệu thân thiện, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tập trung xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến; tập trung đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ carbon trên địa bàn Cần Giờ.

TP. Hồ Chí Minh: Ưu tiên dành nguồn lực tương xứng cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng khẳng định, TP. Hồ Chí Minh xác định, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững và các chuyên ngành liên quan khác.

Thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình cập nhật về chiến lược, quy hoạch và đặc biệt là xây dựng thể chế, chính sách chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, để hướng tới phát triển bền vững rõ nét hơn./.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: Đây là việc mới rất thách thức và đầy tham vọng, nên thành phố luôn mong muốn có sự hợp tác của các tổ chức quốc tế để giúp thành phố trong chuyển đổi chung. Thành phố chọn ngành, chọn địa bàn đi trước, từ đó có những bài học thành công để triển khai trên toàn thành phố. TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ dành những nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tham gia cùng với nỗ lực quốc gia, thực hiện đạt mục tiêu Net Zero đến năm 2050.