Tại TP.HCM, ở khắp các khu chợ, khu dân cư, trên các tuyến đường ở đâu cũng bắt gặp những chiêc xe chở vải thiều. Theo các tiểu thương, hiện nay, lượng vải thiều được lấy về bán chiếm từ 70- 80% tổng số các loại trái cây khác, tuy nhiên mặt hàng này nhanh chóng bán hết trong ngày.

So với năm 2013, năm nay lượng vải thiều cung cấp cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam cũng nhiều hơn. Nếu như năm ngoái, một ngày lượng vải thiều đổ về chợ đầu mối Thủ Đức là 325 tấn thì năm nay là hơn 500 tấn, tăng lên gần gấp đôi năm ngoái.

Mặc dù đã đẩy mạnh phân phối thế nhưng hiện thị trường chính của trái vải vẫn là chủ yếu ở phía Bắc. Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Nam đang được đặt ra cấp bách. Nhằm cung ứng và phục vụ người tiêu dùng, TP.HCM đã xây dựng và mở rộng các kênh phân phối từ chợ dân sinh đến vùng sâu vùng xa.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Chúng tôi có kết nối với các tỉnh thành, đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ của TP.HCM, mở rộng 24 quận huyện, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống, vùng sâu vùng xa, các KCN, KCX đưa đến tận tay người tiêu dùng”.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện 60% vải thiều tiêu thụ trong nước, còn 40% là xuất khẩu. Ngoài thị trường Trung Quốc, các nước như Lào, Campuchia và các nước châu Âu cũng đặc biệt ưa chuộng trái vải. Việc đưa trái vải xuất khẩu thêm nhiều thị trường trên thế giới cũng được Bộ Công Thương tính tới, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP.

Thông qua các kênh phân phối, vải thiều không chỉ được đẩy mạnh tiêu thụ và phục vụ người tiêu dùng trong nước mà từ đây, vải thiều cũng như nhiều nông sản khác sẽ có cơ hội vươn ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp cho đầu ra của các sản phẩm này vẫn là đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói sau thu hoạch để trái vải được bảo quản tốt, kéo dài thời gian sử dụng nhằm nâng cao giá trị gia tăng./.

Theo vtv