Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không để địa tô chênh lệch rơi vào túi doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chưa phát hiện thất thu thuế với xe ô tô biếu tặng Sẽ trình cấp có thẩm quyền giải pháp về thuế để điều hành linh hoạt giá xăng dầu Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp Tăng thu ngân sách nhà nước chủ yếu từ nội lực của nền kinh tế

Từ 1/7, 100% các doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về hóa đơn điện tử và chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa thực hiện hóa đơn điện tử. Theo Bộ trưởng, thực hiện đúng Luật Quản lý thuế 2019, các doanh nghiệp được thực hiện hóa đơn và hạch toán điện tử. Việc áp dụng hình thức điện tử sẽ giúp chúng ta chống được tình trạng trục lợi trong hoàn thuế, chống buôn bán hóa đơn giả, phản ánh đúng doanh thu, thuận lợi trong quá trình kiểm soát, kiểm tra.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại 6 địa phương, thực hiện được 4 tỷ hóa đơn. Kể từ tháng 4/2022 đến nay đã tiếp tục triển khai giai đoạn 2, dự kiến đạt 7 tỷ hóa đơn. Đến 1/7/2022, tất cả doanh nghiệp trên cả nước sẽ thực hiện hóa đơn điện tử. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.

Dự kiến, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn các địa phương và Công ty Vietlott để tổ chức quay thưởng theo mã số hóa đơn điện tử, nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp lấy hóa đơn điện tử. Đồng thời, ngành Thuế áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu để xác định rủi ro trọng yếu trong trục lợi chính sách…

Để hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp vùng sâu vùng xa tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện về máy tính, điện thoại thông minh thì sẽ triển khai hóa đơn điện tử theo lộ trình dần dần. Đối với doanh nghiệp vùng sâu vùng xa thì vẫn thực hiện quản lý hóa đơn có mã, truyền dữ liệu đến cơ quan thuế để quản lý thuế chặt chẽ.

Triển khai 100% hóa đơn điện tử đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: VPG

Trả lời các đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) về nguyên nhân, trách nhiệm trong quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm, thu từ cổ phần hóa thấp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc một lần nữa giải thích, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo về cổ phần hóa, gồm các thành viên là các bộ, ngành hữu quan, trong đó có Bộ Tài chính. Trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp trong vấn đề cổ phần hóa là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ở tỉnh thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh thực hiện cổ phần hóa theo đúng danh mục đã được Thủ tướng ban hành, đúng kế hoạch cổ phần hóa. Với các doanh nghiệp thuộc bộ, bộ trưởng là người trực tiếp chỉ đạo, chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm về phương án cổ phần hóa.

Vướng mắc chủ yếu trong công tác này là ở khâu xác định giá trị của doanh nghiệp, phương án sử dụng đất khi UBND các tỉnh không phê duyệt. Ngoài ra, còn các vướng mắc khác trong nội tại doanh nghiệp ngay từ khi chưa cổ phần hóa. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, kết quả này thể hiện sự chưa quyết tâm, chưa trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ quan chủ sở hữu trong thúc đẩy cổ phần hóa; còn vướng mắc trong sự phối hợp, nên phương án cổ phần hóa không được phê duyệt, không lên sàn và bán được, dẫn tới thu ngân sách thấp hơn dự toán.

Về vấn đề gian lận trong kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định 121/2013/NĐ-CP, trong đó đề xuất sàn thương mại điện tử phải thu hộ thuế của những người tham gia sàn cho Nhà nước, coi đó là điều kiện cấp phép sàn hoạt động. Theo Bộ trưởng, máy chủ ở quốc gia khác thì rất khó quản lý, chỉ có sàn thương mại là nơi có đầy đủ thông tin, nên sẽ (là người được ủy quyền) thu thuế và nộp về ngân sách nhà nước. Đây là biện pháp tốt để thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

Dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp vẫn lưu chuyển bình thường

Giơ biển tranh luận tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải chăng thời gian qua đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Những cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường này không có hiệu quả? Thời gian tới cần có các giải pháp quản lý thích hợp để không làm phát sinh hậu quả tiêu cực như nhiều năm trước đây.

Giải trình, làm rõ ý kiến tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ trước đến nay, trừ trường hợp trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ khi hủy phát hành, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp vẫn lưu chuyển bình thường.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính là cơ quan hành pháp nên phải thực hiện theo đúng luật pháp, phải căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Do đó, phần trái phiếu phát hành riêng lẻ, cơ quan nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý. Khi xây dựng luật, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đã cho phép doanh nghiệp tự phát hành, tự vay trả. Sau này, khi phát sinh nhiều vấn đề thì mới đặt lại vấn đề quản lý. Do trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành, không cần phải doanh nghiệp có lãi hay có tài sản đảm bảo, nên Nghị định 153 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành.

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật nên trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, nhưng phải phát hành đúng trình tự và quy định của pháp luật. Những vụ việc xử lý vừa qua là do các doanh nghiệp phát hành không đúng quy định./.