Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không để địa tô chênh lệch rơi vào túi doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chưa phát hiện thất thu thuế với xe ô tô biếu tặng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn

Chưa phát hiện thất thu thuế đối với loại xe biếu, tặng

Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) về vấn đề liên quan đến xe biếu tặng có trốn thuế hay không, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định đối với các hãng xe, phải đặt đại lý tại Việt Nam để chuyển xe mua qua đại lý, tuy nhiên nhiều loại xe số lượng bán ít nên không có đại lý, hoặc là xe đặc thù. Do đó, lợi dụng lỗ hổng này các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng. Tuy vậy, theo quy định hiện hành, xe biếu tặng không được miễn giảm bất cứ loại thuế nào, kể cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã có kiểm tra về việc này và phát hiện có việc doanh nghiệp kê khai giá thấp. Cơ quan hải quan đã căn cứ quy định của hải quan về các bảng thuế của các loại xe và đã xác định lại để truy thu thuế. Sau khi các cơ quan báo chí nêu về vụ việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra điều tra. Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan làm việc với cơ quan của Bộ Công an (C03), tổ chức họp và kiểm tra nhiều lần và đến nay chưa có kết quả. Tuy nhiên, cùng với việc chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan địa phương rà soát lại việc có thất thu hay không, cơ quan hải quan báo cáo không phát hiện ra thất thu thuế, vì các loại thuế đều phải nộp theo đúng quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Tiếp tục trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên về việc công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết công tác này đang được thực hiện quyết liệt, mỗi vị trí không làm quá 8 năm, thường 5 năm sẽ luân chuyển. Hàng năm, Bộ Tài chính đã luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ một cách hết sức minh bạch, công bằng. Từ đó, tạo được tính tự giác đối với các cán bộ các ngành như hải quan, kho bạc, thuế để thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Mỗi đầu năm sẽ đưa ra danh sách luân chuyển, để cán bộ nắm được thời hạn luân chuyển, tạo sự chủ động. Hiện với 67.000 cán bộ công chức trong ngành, hầu như không có nhiều ý kiến, đơn thư về công tác luân chuyển, tinh giản biên chế….

Về vấn đề di dời nhà đất, sử dụng tài sản mà đại biểu Trần Hồng Nguyên nêu, Bộ trưởng trả lời vừa qua có nhiều cơ quan sáp nhập lại dẫn đến thừa cơ sở vật chất, một số tài sản công không sử dụng. Theo phân cấp về quản lý, những tài sản do trung ương quản lý, sau khi các bộ ngành có ý kiến, sẽ được điều chuyển, như điều chuyển từ bộ ngành về địa phương. Những tài sản thuộc chính quyền cấp huyện, xã, tỉnh thì UBND tỉnh sẽ điều chuyển, sắp xếp. Hiện đã có 424 tài sản do trung ương quản lý được chuyển về cho địa phương. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển tài sản không có nhu cầu sử dụng của các bộ, ngành về các địa phương để quản lý tài sản công theo quy định.

Trả lời đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) về thực trạng các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính quản lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện Bộ đang quản lý một số doanh nghiệp như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Vietlott, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Ngân hàng Phát triển (VDB). Hiện nay với VDB, Bộ Tài chính đang xin ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả. 4 doanh nghiệp còn lại hiện đều kinh doanh có lãi từ 5% trở lên sau thuế so với năm 2020. Cụ thể như DATC có tổng tài sản 28.000 tỷ đồng, doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 5,4%; Tập đoàn Bảo Việt có lợi nhuận sau thuế đạt 1.030,5 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm trước… Hàng tháng, hàng quý, các doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, Bộ đã giao Cục Tài chính doanh nghiệp để quản lý, theo dõi thường xuyên các doanh nghiệp này.

Lành mạnh hóa, tăng cường minh bạch trên thị trường chứng khoán

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt 3 câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài chính về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) có xu hướng giảm, trách nhiệm quản lý về đấu giá tài sản và quản lý thị trường chứng khoán.

Trả lời từng vấn đề, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay việc ban hành quy chế đấu giá tài sản là của Bộ Tư pháp, tuy nhiên Bộ Tài chính cũng tham gia với vai trò là cơ quan quản lý tài sản nhà nước. Điều quan trọng ở đây là điều hành minh bạch, không làm sai quy chế đấu giá, xác định đúng giá khởi điểm. Còn lại giá cả sẽ do thị trường điều tiết.

Đối với trách nhiệm trong quản lý thị trường chứng khoán, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã nỗ lực hết sức để ngăn chặn, xử lý các sai phạm, đưa thị trường trở nên minh bạch hơn. Ngay từ năm 2021, từ tháng 4 đến tháng 9, Bộ đã đưa ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Ngày 1/9, đã có công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan tiến hành thanh tra. Ngày 3/12, có công văn yêu cầu tăng cường thanh tra để phát hiện sai phạm và xử lý. Đến ngày 1/4 mới đây, đã yêu cầu thanh tra các cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán các công ty chứng khoán, qua đó cũng phát hiện nhiều vi phạm, chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Đây là những bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ có trách nhiệm của cán bộ Bộ Tài chính quản lý trong lĩnh vực này. Vừa qua đã thực hiện cắt chức 2 cán bộ lãnh đạo là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng giám đốc HOSE, đồng thời cảnh cáo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác liên quan đến các trách nhiệm như ban hành quy chế không đúng quy định, để nghẽn mạng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu thanh tra, giám sát… Với những sai phạm này Bộ Tài chính đã xử lý, kỷ luật, củng cố cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán.

Về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, Bộ trưởng cho hay trước đây các khoản thu ngân sách được điều tiết 100% rất lớn như thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô. Tuy nhiên, khi ta mở cửa hội nhập, tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, các nguồn thu từ thuế này giảm, dầu thô cũng giảm nên vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bị giảm đi. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Chính phủ trình Bộ Chính trị cho phép lập đề án về tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tăng cường tính chủ động của ngân sách địa phương.