Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Hợp nhất hai cơ quan điều tra về tội phạm kinh tế
Báo cáo trước UBTVQH, thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và không tiếp tục giao cho cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số hoạt động điều tra.
Nhiều ý kiến trong UBTP cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia.
Bên cạnh một số ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Kiểm ngư được giao nhiệm vụ điều tra như đã trình xin ý kiến UBTVQH tại dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến tại UBTP đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Tại báo cáo thẩm tra, thường trực UBTP tán thành với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Cùng với việc hợp nhất, UBTP ủng hộ việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu ở Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu ở Công an cấp tỉnh trên cơ sở tách các hoạt động điều tra tội phạm này từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.
Theo UBTP, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, trốn thuế, chuyển giá, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày càng phức tạp, tội phạm về buôn lậu không chỉ gia tăng trong phạm vi quốc gia mà còn có tính chất xuyên quốc gia. Vì vậy, cần thiết phải có Cơ quan điều tra chuyên trách đủ mạnh. Mặt khác, UBTP cũng cho rằng sau khi hợp nhất hai cơ quan điều tra nói trên, việc thành lập cơ quan điều tra mới về tội phạm buôn lậu là phù hợp và không làm tăng đầu mối điều tra tội phạm ở Bộ Công an.
Giao Tổng cục 8 quản lý 4 trại tạm giam của Bộ Công an
Đối với dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, một vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là về tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Một số ý kiến đề nghị cần tổ chức lại hệ thống Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng bức cung, dùng nhục hình. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị giữ như mô hình hiện nay.
Đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh quản lý, nhiều ý kiến đại biểu và UBTP cho rằng việc này là không phù hợp và cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra. Theo đó, cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự (Tổng cục 8) của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm chống lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.
Đây cũng là ý kiến được đa số thành viên UBTVQH tán thành trong buổi thảo luận hôm nay. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, mặc dù tán thành việc vẫn để cơ quan tạm giam, tạm giữ tại Bộ Công an nhưng không nên để cơ quan điều tra quản lý cơ quan tạm giam, hai cơ quan này cần độc lập về chức năng nhiệm vụ để đảm bảo quyền con người quyền công dân, giảm tình trạng oan sai./.
H.Y