dn

Nghị quyết 19 đã từng bước tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phát triển. Ảnh: TL.

PV: Ông đánh giá thế nào về bước đi của nền kinh tế đất nước, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19)?

TS. Nguyễn Đình Cung: Thực tế sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 (2014 - 2017), tổng thể sức khỏe nền kinh tế đã tốt lên rất nhiều. Theo đó, điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Trong đó, 3 chỉ số gồm: Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư và Nộp thuế có mức độ cải thiện tốt nhất.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, nội dung nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã có mức cải thiện tốt, tăng 87 bậc, với những cải cách về quy định và thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, với những cải cách mạnh mẽ của ngành Hải quan về cải cách thủ tục, thực hiện hải quan điện tử và rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã tạo điều kiện tốt cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, quá trình cải cách vẫn còn nhiều việc phải làm, có một số chỉ số chưa được cải thiện như kỳ vọng. Cụ thể 4 chỉ số có thứ hạng thấp hoặc không được cải thiện là: Khởi sự kinh doanh, Đăng ký quyền sở hữu tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Thủ tục phá sản. Trong đó, 2 chỉ số (Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và Giải quyết phá sản) không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng; 2 chỉ số (Khởi sự kinh doanh và Giải quyết phá sản DN) đứng cuối bảng xếp hạng.

PV: Được biết, một Nghị quyết 19 mới đang được xây dựng, với mục tiêu tạo ra những đột phá lớn cho kinh tế Việt Nam. Theo ông nghị quyết lần này nên nhấn vào những điểm cơ bản nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tính đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định sau 4 năm ban hành Nghị quyết 19, chúng ta đã đạt được những thành công cải cách sâu rộng về thủ tục hành chính, tạo ra những điều kiện ưu đãi tối ưu cho cộng động DN phát triển. Nhờ đó, sức khỏe nền kinh tế được nâng lên một tầm cao mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô đạt và vượt chỉ tiêu đề ra góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao các điều kiện an sinh xã hội tốt hơn.

o cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ: Cần phải tiếp tục hoàn thiện cũng như nâng cấp các chỉ số của nền kinh tế theo hướng thực chất và toàn diện hơn.

Phải tạo ra được áp lực cũng như kỷ luật hành chính mạnh mẽ đối với các chỉ số còn thấp và yếu tồn tại gây khó khăn cho nền kinh tế phát triển. Đó là các lĩnh vực như: Khởi sự kinh doanh, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản.

Cần có mối liên hệ sâu hơn với các cơ quan chuyên ngành như Tòa án Nhân dân Tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số Giải quyết phá sản DN và Giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Đặc biệt, trong 2018, Chính phủ xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, Chính phủ giao chỉ tiêu phải tăng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch lên 10 bậc (hiện đang ở thứ 67).

Cần coi trọng sự phát triển của ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Theo đó, giảm chi phí logistics xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).

Riêng về các “điểm nóng”, tại Nghị quyết 19 mới cũng cần đặt mục tiêu hoàn thành bãi bỏ ít nhất 1/3 hoặc một nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; hoàn thành về cơ bản mục tiêu giảm số hàng hóa xuất nhập khẩu, phải kiểm tra trước thông quan xuống còn tối đa 10%; hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm ít nhất một nửa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Khối cơ quan hành chính sự nghiệp từ trung ương xuống địa phương bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật công nghệ thông tin để cung ứng các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4; chỉ đạo, bắt buộc tất cả các bộ, ngành phải kết nối tất cả các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

PV: Với mục tiêu nền kinh tế 2018 đánh giá cho tương lai 2019, ông có nhận định thế nào về kinh tế Việt Nam trong gian tới?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Bằng chứng là ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc lại khát vọng muốn Việt Nam là “con hổ mới” của châu Á.

Muốn như vậy, Việt Nam cần tận dụng tối đa các lợi thế về nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, các hiệp định FTA thế hệ mới. Đặc biệt là Hiệp định CPTPP mới được ký kết giúp thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư FDI, ODA của quốc tế.

Về mặt định hướng, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt buộc phải chuyển nhanh và sớm nhất có thể sang thể thế kinh tế thị trường, bởi chỉ khi đó mới phát huy tối đa tác dụng của các thành phần kinh tế trong xã hội bổ sung hỗ trợ nhau. Trong đó, ưu tiên các chính sách kích cầu cho kinh tế tư nhân phát triển. Đây cũng được xem là động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam thăng hang, cất cánh trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Nam (thực hiện)