Giá dầu thế giới khó quay về vùng 70 USD/thùng
Dự báo giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ không có thay đổi đáng kể trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường xăng dầu, gas trong nước và thế giới từ đầu quý II/2025 đến nay?

Giá dầu thế giới khó quay về vùng 70 USD/thùng

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, từ đầu quý II, đặc biệt là sau ngày 3/4 cho tới nay, nhìn chung giá dầu và gas thế giới có xu hướng giảm mạnh. Trong khi đó, trong nước, giá xăng dầu bán lẻ cũng diễn biến đồng pha nhưng với tốc độ ổn định hơn; giá gas được giữ nguyên kể từ tháng 3 cho tới nay.

Còn đối với mặt hàng khí tự nhiên tại sàn NYMEX cho tới nay cũng chưa thể quay lại mốc 4 USD/MMBtu và thậm chí có thời điểm xuống dưới ngưỡng 3 USD/MMBtu. Trong 5 tuần giao dịch đầu quý II, giá các mặt hàng năng lượng nói trên đã ghi nhận tới 4 tuần giảm; trong đó có tuần giảm tới 9 - 10%.

Giá gas trong nước sẽ không có thay đổi đáng kể

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đối với thị trường trong nước, giá xăng dầu bán lẻ nhìn chung vẫn sẽ giảm theo xu hướng giá dầu thế giới. Còn đối với giá gas bán lẻ, nếu theo như dự đoán về sự ổn định của giá khí tự nhiên quốc tế, thì nhiều khả năng giá gas trong nước cũng sẽ không có thay đổi đáng kể nào.

Đối với giá xăng dầu trong nước, liên Bộ Tài chính - Công thương chỉ điều chỉnh giảm 3 trên 5 tuần kể từ đầu quý II, với mức giảm tuần lớn nhất cũng chỉ trong khoảng 7 - 8%. Cho tới nay, Chính phủ vẫn đang bình ổn giá xăng dầu nội địa thông qua các công cụ quản lý và điều hành một cách hiệu quả. Còn đối với giá gas trong nước, 2 đầu mối lớn trên toàn quốc là Petrolimex và Công ty cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) đều thông báo giữ nguyên mức giá bán trong hai tháng 4 và 5.

Mới nhất, trong ngày 8/5, liên Bộ đã công bố điều chỉnh giá xăng dầu với mức giảm cho các mặt hàng. Theo đó, xăng E5 RON 92 có giá mới 18.777 đồng/lít, giảm nhẹ 377 đồng/lít so với giá hiện hành. Sau khi điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 thấp hơn xăng RON 95-III gần 402 đồng/lít.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này giảm trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đà giảm giá trên thị trường năng lượng vừa qua theo tôi có 2 nguyên do chính. Thứ nhất, chính là tình hình kinh tế thế giới vẫn còn ẩn chứa nhiều bất ổn, đặc biệt khi các nhà đầu tư vẫn còn những lo ngại nhất định về các chính sách thuế quan của Mỹ. Những tranh cãi xoay quanh các chính sách này phần lớn là khả năng giảm phát của không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn của cả nền kinh tế toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, thị trường cũng đã có những dấu hiệu thích nghi dần với các chính sách thuế quan từ phía Nhà Trắng. Hàng loạt thông tin tích cực về tiến trình hướng tới các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác lớn đã hỗ trợ kìm hãm đà giảm giá dầu.

Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng chưa nói lên được điều gì. Ngoài ra, nhiều chỉ số tiêu cực về sức khỏe nền kinh tế Mỹ cũng được công bố, trong đó nổi bật quý I là quý đầu tiên trong vòng 3 năm qua ghi nhận mức giảm GDP của Mỹ.

Những thông tin này đã khiến các nhà đầu tư không khỏi lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô tại Mỹ. Từ đó càng dấy lên lo lắng về tương lai nhu cầu dầu và các mặt hàng năng lượng trên thế giới. Sự bất ổn của tình hình kinh tế vĩ mô cũng khiến nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường năng lượng, dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư an toàn hơn như kim loại quý.

Nguyên nhân thứ hai, theo tôi là từ viễn cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu. Những thông tin xoay quanh việc OPEC+ tăng sản lượng đã liên tục gây áp lực lớn lên mặt hàng dầu; đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước thành viên, nổi bật là Iraq và Kazakhstan đang có mức sản lượng vượt quá hạn ngạch cho phép. Nó cũng đồng thời có tác động bù trừ đối với sự sụt giảm xuất khẩu các mặt hàng năng lượng từ Iran và Venezuela, hai nước đang phải chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Chính phủ Mỹ.

PV: Dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới trong phần còn lại của quý II sẽ diễn biến ra sao,thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Việc OPEC+ chốt tăng mạnh sản lượng trong quý II theo tôi sẽ là vật cản lớn trong việc hồi phục giá các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là giá dầu trong bối cảnh nhu cầu năng lượng vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Trong hai quyết định tăng mạnh sản lượng vào tháng 5 và tháng 6, OPEC+ cho biết quyết định này của họ là do “nền tảng bền vững và triển vọng thị trường tích cực”. Tuy nhiên, theo nhiều phân tích, đây có thể là động thái nhắm vào các nước thành viên đang có mức sản lượng vượt hạn ngạch cho phép.

Còn trong bản Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn mới nhất, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã đưa ra nhận định rằng tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu sẽ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhu cầu khoảng 300.000 - 400.000 thùng/ngày từ nay đến hết năm 2026. EIA cũng đưa ra dự báo cho giá dầu Brent chỉ ở ngưỡng 62 USD/thùng cho đến hết năm nay...

Những dự báo trên về giá dầu, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở khi mà OPEC+, đứng đầu là Saudi Arabia, không còn những động thái cố gắng tạo động lực tăng giá dầu. Nếu xét thêm yếu tố tình hình kinh tế vĩ mô; kể cả trong tình huống Mỹ sớm đạt được các thỏa thuận thương mại với các đối tác lớn như Canada, Liên minh Châu Âu hay đặc biệt là Trung Quốc. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, giá dầu rất khó để quay lại mốc 70 USD/thùng.

Còn với mặt hàng khí tự nhiên, cũng trong Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn, EIA cho rằng giá khí đốt tự nhiên sẽ tăng theo chu kỳ do nhu cầu tăng cao từ các nhà máy nhiệt điện nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dân trong mùa hè sắp tới. Tuy nhiên, kể cả khi tính thêm nhu cầu từ các nước Nam bán cầu chuẩn bị bước vào mùa đông, giá khí đốt tự nhiên sẽ không có thay đổi mạnh do sự gia tăng tương ứng của nguồn cung cũng như các cơ sở vật chất phục vụ quá trình xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ.

PV: Xin cảm ơn ông!