IMF cho rằng, việc rời EU sẽ không mang lại lợi ích kinh tế nào cho nước Anh. Trong ngắn hạn, nếu quá trình rời EU diễn ra một cách khó khăn, kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái trong năm tới. Nếu tiến trình này diễn ra một cách tương đối êm thấm, thì Brexit sẽ vẫn gây tác động không nhỏ. Theo IMF, trong dài hạn, những tổn thất mà giai đoạn bất ổn kéo dài gây ra cùng với chi phí thương mại lớn hơn dự kiến cũng đủ để xóa đi toàn bộ những gì mà Anh thu được từ việc không phải đóng góp vào ngân sách EU khi không còn là thành viên của khối này.

IMF cũng đã công bố đánh giá cuối cùng về những hậu quả kinh tế nếu Anh quyết định rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới. Theo đó, trong trường hợp lạc quan nhất, tức là nước Anh vẫn bảo toàn việc tiếp cận thị trường chung và bất ổn nhanh chóng tiêu tan, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 1,4% vào năm 2021. Trong trường hợp xấu, tức là các cuộc đàm phán với EU hậu “Brexit” diễn ra không suôn sẻ và các giao dịch thương mại của Anh khi đó sẽ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), GDP của “đảo quốc sương mù” có thể sẽ giảm 4,5% vào năm 2021.

Trả lời phỏng vấn tờ The Financial Times (Thời báo tài chính Anh), Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb (A-lếch-xan-đơ Xtắp) bày tỏ lo ngại rằng “Brexit” có thể ví như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers ở châu Âu. Sự sụp đổ của ngân hàng này đã từng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và sau đó lan rộng ra toàn cầu hồi năm 2008.

Vào thời điểm cuộc trưng cầu ý dân đang đến gần, không chỉ các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mà nhiều ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới và các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã đưa ra cảnh báo về những nguy cơ bất ổn và xáo trộn lớn nếu “Brexit” xảy ra./.

Theo TTXVN