Dành nguồn lực đầu tư lĩnh vực văn hóa

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do TP. Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 21/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Không gian trưng bày giới thiệu về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NNK
Không gian trưng bày giới thiệu về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NNK

“Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”- ông Đinh Tiến Dũng nói.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp TP. Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao...

TP. Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích…

Phát huy truyền thống tinh hoa văn hoá của dân tộc

Theo ông Đinh Tiến Dũng, trong năm 2023, thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Không gian trưng bày sản phẩm văn hóa tiêu biểu

Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức ra mắt không gian trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, được chia thành các không gian nhỏ, với nhiều chủ đề riêng biệt. Đó là không gian văn hóa của 6 làng nghề tiêu biểu, gồm: Gốm Bát Tràng, khảm trai Chuyên Ngọ... Không gian trưng bày sách với trên 200 tư liệu được tuyển chọn cho 2 nội dung chính. Ở mảng di tích lịch sử - văn hóa, ban tổ chức giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử. Không gian trưng bày giới thiệu về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian trưng bày và trình diễn mô hình mô phỏng nỏ thần liên châu của An Dương Vương.

Đóng góp ý kiến để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội, tạo thành nguồn lực góp phần xây dựng "Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", các nhà khoa học đều cho rằng, văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh của văn hoá Việt Nam.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nhấn mạnh, sự phát triển của Thăng Long là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội chính là sự kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội tiếp thu tinh hoa của các vùng đồng thời lại chuyển tiếp tinh hoa ấy cho các vùng khác. Ở chiều cạnh lịch sử, con người Thăng Long cần phát huy truyền thống tinh hoa văn hoá từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam và Thủ đô.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), hiện nay nhiều người từ các nơi khác về Hà Nội vẫn mang tâm lý về Thủ đô để làm ăn, sinh sống và chưa có ý thức xây dựng mình thành người Hà Nội. Để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của người Hà Nội với sự kế thừa và giao thoa, PGS.TS Phạm Duy Đức đưa ra 4 nhóm giải pháp, nhấn mạnh đến việc Hà Nội cần tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo ở Thủ đô, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như văn hóa trong thời đại mới.

* PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Lập quỹ về xây dựng văn hóa kinh doanh của Thủ đô

PGS.TS BÙI TẤT THẮNG
PGS.TS Bùi Tất Thắng

Xác định: "Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Hà Nội cần đi đầu không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống, mà cần chú trọng cả văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín". Thành phố cần phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng. Đồng thời, nên lập quỹ về xây dựng văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng; nên đặt ra một giải thưởng danh giá về kinh doanh văn minh. Hằng năm, cũng nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.

GS.TS Đỗ Thị Minh Đức - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:

Vị thế là một tài nguyên nổi bật của Thủ đô Hà Nội

GS.TS Đỗ Thị Minh Đức
GS.TS Đỗ Thị Minh Đức

Vị trí địa lý là một đặc trưng quan trọng của bất cứ lãnh thổ nào. Vị trí địa lý góp phần tạo lợi thế so sánh của lãnh thổ; khi các nhân tố địa kinh tế, địa chính trị vận động, có thể tạo ra nguồn lực to lớn cho sự phát triển. Vị trí địa lý tạo nên một dạng tài nguyên đặc biệt - tài nguyên vị thế. Vì thế, tài nguyên vị thế là một tài nguyên đặc biệt nổi bật của Thủ đô Hà Nội. Nguồn tài nguyên này làm cho các tài nguyên vốn có khác của Hà Nội, cả về tự nhiên, kinh tế - xã hội đều có thể thêm giá trị gia tăng.

Việc nâng cao vị thế của Hà Nội gắn liền với vị thế của Thủ đô và vị thế của một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước, một trung tâm phát triển cấp quốc gia. Việc triển khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành của quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, trong đó có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội) đã có tác động hết sức quan trọng làm nâng cao tài nguyên vị thế của nội bộ thành phố, đặc biệt ở vùng ven đô. Việc này nếu thực hiện hợp lý, có luận chứng khoa học sẽ đem lại nguồn lợi to lớn cho thành phố.