Ngày 27/4, tại Hà Nội, VEPR phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”.

VEPR: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong kịch bản lạc quan
Các chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: LV

Việt Nam không bị trễ so với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam trong năm 2021 chứng kiến sự khó khăn nhất kể từ khi Covid-19 diễn ra do duy trì trạng thái đóng cửa nền kinh tế. Trước câu hỏi Việt Nam liệu có bị “chậm chân” so với phục hồi kinh tế toàn cầu hay không, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho biết sự thay đổi của các biện pháp chống dịch đã kéo theo sự thay đổi của tốc độ phục hồi. Chiến dịch vắc-xin thần tốc triển khai mạnh mẽ đã giúp Việt Nam nhanh chóng cải thiện tình hình và Việt Nam không bị trễ so với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam quý I/2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5,03%, so với mức tăng trưởng 4,72% vào quý I/2021 và 3,68% vào quý I/2020. Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng 7,79%.

Đầu tư công đã thể hiện được vai trò kích thích kinh tế. Tính chung quý I/2022, vốn khu vực nhà nước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 10,6%. Xuất nhập khẩu phục hồi mạnh khi tổng xuất nhập khẩu ước đạt 176,35 tỷ USD trong quý I, tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ đã có cải thiện đáng kể cùng với thực thi một số chính sách mới. FDI vào Việt Nam vẫn tốt, dù FDI đăng ký giảm 12,1% nhưng FDI thực hiện lại tăng 4,42 tỷ USD.

Bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao, đặc biệt trong khu vực dịch vụ - vốn trước đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, cùng với đó là sự phục hồi của thị trường lao động.

Với những diễn biến tích cực của kinh tế Việt Nam gần đây, tăng trưởng 2022 được dự báo ở mức từ 6 - 6,5% trong kịch bản lạc quan.

Những lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 được chỉ ra là: chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt sự mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi; sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất; các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một cú huých tới tăng trưởng trong thời gian tới; xuất khẩu và FDI vẫn được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng 2022; xu hướng phục hồi của cầu trong nước.

Bình luận về chương trình phục hồi trị giá gần 350.000 tỷ đồng, TS. Thắng cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc giảm thuế GTGT 2%. Chính sách giảm thuế GTGT là chính sách rất phù hợp lúc này, với 3 tác động tích cực của chính sách là: giúp giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá, kích thích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Rủi ro với nền kinh tế đã gia tăng

Triển vọng phục hồi tương đối khả qua nhưng nguy cơ với nền kinh tế Việt Nam cũng không nhỏ. Theo TS. Trần Toàn Thắng, nguy cơ bùng phát trở lại của Covid-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Cùng với đó là áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá sản xuất đối với khu vực công nghiệp là khá rõ. Giá hàng hoá đang tăng cao do giá cả sản xuất tăng, dẫn tới áp lực giá tiêu dùng sẽ tăng cao trong các quý tiếp theo. Đây là áp lực rất lớn đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Chính phủ.

Một rủi ro khác là xuất khẩu, nhất là nông sản bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống (Trung Quốc). Sự gia tăng về giá các loại tài sản như vàng, bất động sản.... cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào sản xuất.

Về ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, TS. Thắng cho rằng, tác động của xung đột này tới lạm phát có thể kéo dài đến giữa năm 2023 sau đó mới giảm dần, còn ảnh hưởng tới tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu sẽ có thể kéo dài hơn nếu xung đột tiếp tục căng thẳng. Theo ước tính, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng 0,5% điểm tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và có thể tăng cao hơn vào năm 2023, nếu vẫn tiếp diễn.

Thêm ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định rủi ro bên ngoài và bên trong tác động tới kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi khác hơn nhiều so với đầu năm cần lưu ý.

Cụ thể, bên ngoài là cuộc xung đột Nga - Ukraina, tác động trực tiếp có thể không nhiều nhưng tác động gián tiếp qua giá cả năng lượng và sự sụt giảm về tăng trưởng của các đối tác chủ yếu của Việt Nam là yếu tố tác động rất lớn.

Tiếp đó là dịch bùng phát ở Trung Quốc và chính sách zero Covid của quốc gia này ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam. Theo TS. Cung, có lẽ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ ở mức nghiêm trọng hơn mức chúng ta dự tính.

Trong nước thì sự bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở nên rõ nét hơn và những rủi ro của thị trường tài chính chắc chắn sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sức nóng của lạm phát nóng hơn so với trước và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô rõ ràng hiện hữu hơn.

Vì vậy, Chính phủ ngoài quan tâm tới phục hồi tăng trưởng chắc chắn phải lưu ý nhiều hơn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tiền tệ phải có những thắt chặt nhất định. Gói hỗ trợ 2% lãi suất cùng với hỗ trợ cung tiền cần phải có sự thu hẹp lại.

“Với những nguy cơ trên thì mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của Chính phủ đòi hỏi phải có những chính sách, nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, mang tính bước ngoặt hơn, mạnh mẽ hơn chúng ta kỳ vọng so với đầu năm” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.