Biểu đồ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê |
Kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp báo lãi
Theo thống kê, trong quý III/2022 Việt Nam đạt tăng trưởng GDP cao nhất châu Á ở mức 13,67%, vượt qua thành tích 13,5% của Ấn Độ. Đồng thời, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2022, điều chỉnh tăng từ 6% lên 7%.
Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế châu Á và Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong số các nền kinh tế châu Á được IMF điều chỉnh dự báo, cao hơn so với các nền kinh tế khu vực lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc - với các dự báo đều giảm từ 0,7 đến 1,1%.
Cũng trong đầu tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh tương tự dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2% - con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông và Đông Nam Á.
Tính chung 3 quý đầu năm, GDP của nước ta tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, bất chấp việc các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ hay Eurozone ghi nhận giá cả tăng mạnh nhất 4 thập kỷ.
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý III/2022 chỉ tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI cao hơn 2,73% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát ở châu Âu đã vượt 10%.
Mặt khác, quý III vừa qua, tuy gặp phải nhiều khó khăn khi lãi suất và tỷ giá biến động khó lường, nhưng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn báo cáo kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Lợi nhuận sau thuế đạt 111.409 tỷ đồng, tăng gần 17% so với quý III/2021. Cả ba sàn có 881 doanh nghiệp báo lãi, trong đó có 624 công ty có lợi nhuận tăng trưởng. Những con số trên cho thấy doanh nghiệp Việt đang sản xuất kinh doanh ổn định trong thời kỳ nền kinh tế mở cửa sau đại dịch Covid-19. |
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tính đến ngày 8/11 đã có 1.078 công ty ở HOSE, HNX và UPCOM công bố báo cáo tài chính quý III. Tổng doanh thu của hơn 1.000 doanh nghiệp này là gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam vẫn đang kiểm soát lạm phát tốt |
Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ từ nhiều hướng
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Theo quyết định được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký, Tổ công tác sẽ gồm 8 thành viên. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Tổ phó gồm: ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Các thành viên của tổ công tác khác gồm có: Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Cao Lục.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trực thuộc trung ương; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 23/11, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức cuộc họp bàn, thu thập các ý kiến để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường trái phiếu. Tại đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã lắng nghe ý kiến của nhiều thành viên thị trường như Công ty Chứng khoán VNDirect, Tập đoàn Trung Nam, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII)…
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia chỉ ra 4 giải pháp, trong đó có việc sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu, rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai.
Về nguồn tiền để thành lập quỹ này, TS. Nghĩa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước dùng 300.000 tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn.
Theo TS. Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, phải phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được dự án để cân đối được dòng tiền trả nợ trái phiếu thì doanh nghiệp tự lo.
Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án, hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án thì Chính phủ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này chuyển nhượng dự án, hoặc chính sách pháp lý để các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án và tạo dòng tiền.
Đầu tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh tương tự dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2% - con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông và Đông Nam Á. |