Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra ngày 4/12/2018, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá: Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian tới, mặc dù có một số nhân tố đang ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hội nhập đa phương và khu vực, song Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện.
Nhiều thành tựu trong hội nhập
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Trong đó, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được ký kết vào tháng 3/2018 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 12/11/2018, chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/1/2019.
Phó Thủ tướng đánh giá, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều có tốc độ tăng mạnh so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40% (năm 2017 là 35%). Đáng chú ý là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế. Chưa tận dụng được hết các cơ hội do các FTA mang lại…
Chủ động trước những biến động của kinh tế thế giới
Trình bày tham luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến có cùng quan điểm với đánh giá, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, quá trình Brexit để nước Anh rời khối EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Những sự kiện này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động đưa ra các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
"Hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. Chúng ta cần coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động, linh hoạt và cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó, đưa những phương án xử lý hợp lý. Với quan điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Đồng tình với những ý kiến phân tích về tình hình thế giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
* Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn:
Xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia
![]() |
Ông Bùi Thanh Sơn |
Những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới nêu trên đặt ra những cơ hội không nhỏ cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế của chúng ta ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, thách thức và khó khăn đối với Việt Nam cũng đang tiếp tục ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Song song với đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa để góp phần xây dựng một trật tự quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế; chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đi đôi với nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài...
* TS Sudhir Shetty, Kinh tế gia trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới:
Việt Nam cần tăng cường khả năng ứng phó với các biến động
![]() |
Ông Sudhir Shetty |
Căng thẳng thương mại có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại, tăng trưởng toàn cầu chững lại và tình trạng bất định gia tăng ở mức lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại.
Do đó, Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh; củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư; tăng cường cam kết, ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu…
Bài và ảnh: Tố Uyên