Vốn FDI bứt phá, giải ngân cần tăng tốc
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Vốn FDI đạt kỷ lục

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 2009. Vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%, cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 1.988 dự án mới được cấp phép, tăng 21,7% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký gần 9,3 tỷ USD. Theo ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đây là con số kỷ lục và tạo sự phấn khởi cho thị trường.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký và tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký và tăng 3,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với gần 5,17 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và cấp nước, xử lý chất thải cũng ghi nhận vốn đăng ký lần lượt gần 1,18 tỷ USD và 902,9 triệu USD. Về số lượng dự án, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 38,2% dự án mới và 56,5% lượt điều chỉnh vốn, trong khi ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ 40,9%.

Mặc dù tổng vốn đăng ký tăng mạnh, tiến độ giải ngân vốn vẫn là vấn đề đáng lo. Mục tiêu giải ngân năm nay là khoảng 28 tỷ USD, nhưng đến hết 6 tháng đầu năm mới đạt 11,72 tỷ USD, chưa đạt 50% kế hoạch. Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, từ cuối quý I/2025, các đơn vị đã phối hợp với địa phương triển khai nhiều giải pháp về chính sách và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, trong tháng 5 và 6, tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp lại bộ máy, thay đổi địa giới hành chính và tổ chức lại các bộ, ngành, dẫn đến thiếu đồng bộ trong thủ tục và xác định đầu mối giải ngân, đặc biệt ở cấp địa phương.

Về mặt chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm bộ, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng nguồn lực và thúc đẩy giải ngân đầu tư nhanh hơn.

Dòng đầu tư vào Việt Nam chưa bị ảnh hưởng

Liên quan đến cơ cấu vốn đầu tư, phần lớn vốn đăng ký là vốn góp và bổ sung của các dự án đang hoạt động, trong khi dự án mới có xu hướng giảm, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các chính sách của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đáng chú ý, đầu tư mới từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ, cho thấy dòng vốn từ quốc gia này vẫn mạnh và cần được phân tích kỹ hơn.

Các nhà đầu tư này không quá lo ngại trước các biện pháp từ Hoa Kỳ mà chủ động tìm giải pháp hạn chế tác động bất lợi, đồng thời tận dụng lợi thế tại Việt Nam.

Một điểm tích cực trong hoạt động của các doanh nghiệp FDI là đóng góp cho thương mại. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp này xuất siêu đạt 21,16 tỷ USD, bù đắp phần nhập siêu 14 tỷ USD của doanh nghiệp trong nước, tạo thặng dư khoảng 7,74 tỷ USD.

Trước bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng dòng đầu tư vào Việt Nam chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Một số nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc có xu hướng chuyển dịch sang Ấn Độ, nhưng thị trường Ấn Độ còn nhiều rào cản và khó tiếp cận, trong khi mức thuế đối ứng của Việt Nam khá cạnh tranh, tạo tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư.

Nhận định xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vấn đề then chốt hiện nay là cần định vị lại vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới. Bộ Chính trị đã yêu cầu xây dựng Đề án về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, dự kiến trình Bộ Chính trị vào tháng 10 năm nay. Đề án sẽ phân tích lợi thế, khó khăn, định hướng phát triển kinh tế, cân nhắc giữa xu hướng xuất khẩu và củng cố thị trường nội địa, đồng thời điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp...

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giải ngân, theo sát hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, các bộ ngành để đảm bảo đạt đúng kế hoạch vốn đăng ký và giải ngân. Liên quan đến nỗ lực tạo ra các cơ chế, chính sách mới, đột phá nhằm tạo sự đột phá trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/9/2025). Để triển khai Nghị quyết số 222/2025/QH15, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Tài chính phải ban hành 2 nghị định: Nghị định chung về Trung tâm Tài chính; Nghị định chuyên ngành liên quan về vốn. Cục Đầu tư nước ngoài sẽ chủ trì xây dựng nghị định chuyên ngành, phối hợp với các đơn vị liên quan để trình các cấp.

Cần tư duy, tầm nhìn và tâm thế mới

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, cùng những thách thức nội tại của kinh tế trong nước, Việt Nam phải tạo ra “sức mạnh tổng hợp” từ sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển đất nước. Để đạt được điều này, Việt Nam cần một tư duy, tầm nhìn và tâm thế mới, đồng thời hành động quyết liệt, thực hiện cải cách mạnh mẽ với quyết tâm và sự đồng lòng của toàn dân tộc, cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là rà soát, hoàn thiện pháp luật về đất đai, khoáng sản, quy hoạch. Đồng thời, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD, diện tích đất khoảng 347.000 ha, nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công làm “vốn mồi” để kích hoạt đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Việc tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các dự án trọng điểm, đồng thời đa dạng hóa nguồn điện, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế là rất quan trọng. Cùng với đó là tận dụng lợi thế từ kết quả sáp nhập, hợp nhất địa phương, phát huy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, cũng như các mô hình kinh tế mới như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.

Đây là những yếu tố chủ lực để tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế chính là kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển kinh tế đất nước.