Nhiều mặt hàng thiết yếu biến động, liên tục gây sức ép

Không quá khi nói năm 2021 là một năm thăng trầm bởi những biến động của giá cả thị trường. Trong khi cả nước phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19 căng thẳng từng ngày, thì giá nhiều mặt hàng là đầu vào quan trọng của nền kinh tế như giá xăng dầu, giá thép, thức ăn chăn nuôi… liên tục tăng cao.

Vững “tay chèo” giữa cam go, thách thức

Giá thép xây dựng tăng từ đầu năm 2021 do tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng mạnh tới giá trong nước. Từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 5/2021, giá thép xây dựng tại doanh nghiệp sản xuất trong nước có diễn biến chủ yếu là tăng giá, với tổng mức tăng khoảng 3.200-4.700 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất. Từ đầu tháng 6 trở đi, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép có xu hướng chững lại và có một số thời điểm biến động giảm, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm trước tác động của dịch Covid 19.

Đảm bảo kịp thời,
minh bạch thông tin

Bên cạnh các biện pháp điều hành, công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Nhờ thế, lạm phát trong năm 2021 tiếp tục được kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.

Lo lắng nhất chính là giá xăng dầu. Giá xăng dầu thế giới liên tục tăng khiến giá trong nước tăng. Trên thế giới, so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm điều hành ngày 12/10/2020), giá xăng dầu biến động tăng từ 88,07 - 112,96%. Trong điều hành giá, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời cùng Bộ Tài chính nhằm giảm sự tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Mức tăng của giá xăng trong nước đã thấp hơn mức tăng của xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ 55,6% đến 58,2%.

Trong bối cảnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 cũng gây thử thách cho người làm công tác quản lý giá khi ở thời điểm ban đầu, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng. Dù là cục bộ, nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Ngay lập tức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông.

Không chủ quan cũng không bị động

Do dịch Covid-19, sức cầu giảm đi do mọi người hạn chế mua sắm, chỉ chi tiêu hạn hẹp cho các nhu cầu thiết yếu. Do đó, đây cũng là yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, đúng như nhận định của Chủ tịch Quốc hội khi ông từng nhấn mạnh, “không được chủ quan với lạm phát”. Bộ Tài chính với chức năng là cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tham mưu cho Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá ban hành kịp thời các chính sách, cùng với sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát năm 2021, đảm bảo thị trường giá cả ổn định, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới. Nước ta chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao, nhiều nước tung các gói kích thích… Do đó, đặt ra khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới, một số chi phí, dự toán chúng ta có thể thay đổi. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2021 mà cho cả năm 2022.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, kịch bản cho lạm phát được xây dựng theo từng tháng, từng quý, nên cơ quan quản lý trong nhiều năm nay đã “không chủ quan cũng không bị động”. Do làm tốt công tác dự báo và chủ động vào cuộc khi thực tế có biến động bất thường, nên những lo ngại lạm phát tăng luôn được hóa giải. Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước và diễn biến giá cả các mặt hàng trên thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai nhiều biện pháp tổng thể để kiểm soát lạm phát từng tháng, từng quý.

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật; cơ quan quản lý đã liên tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; từ đó, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nền kinh tế được “làm nóng”, nhưng lạm phát phải “chấp nhận được”

Các cú sốc bất định trên toàn cầu do Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới bị ảnh hưởng. Những gói kích thích kinh tế cùng với “tác dụng phụ” của nó lại gây nguy cơ lạm phát tại nhiều nước trên thế giới. Giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Những lo ngại “nhập khẩu” lạm phát là có cơ sở.

Như vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 tác động đến cả hai phía cung - cầu của thị trường. Sức cầu giảm đi do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm giảm áp lực lên lạm phát, nhưng rủi ro nó mang lại cũng phải lường trước. Khi đại dịch dần qua đi, sức cầu sẽ như “lò xo” bị nén lâu ngày sẽ bung ra, gây chênh lệch cung - cầu lớn, góp phần đẩy giá cả tăng mạnh và sức ép lạm phát nội tại xuất hiện.

Đối với Việt Nam, 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã khiến cho lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công “án binh bất động”, áp lực đó đè lên những năm tới. Lộ trình đã vạch ra, việc kìm giữ trong 2 năm khiến chúng ta phải tính đến việc triển khai thực hiện đối với một số dịch vụ. Ví dụ như, trong trường hợp xem xét tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bước 3, kết cấu chi phí quản lý thì theo tính toán sẽ tác động làm tăng CPI.

Mặt khác, trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta cũng phải “trả giá”, về lý thuyết, khi các nền kinh tế vẫn sẽ cố duy trì một tỷ lệ lạm phát trong mức “chấp nhận được” để nền kinh tế luôn được “làm nóng”. Như vậy, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, điều hành giá không hề đơn giản, phải điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, vừa hỗ trợ tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2021 là năm thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo lắng khi dịch bệnh tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội, cũng như gây ra nhiều “sóng gió” trong điều hành giá cả thị trường. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương đã linh hoạt, kịp thời vào cuộc, nhanh nhạy ứng phó trong các tình huống chưa từng có trong tiền lệ, đảm bảo cung- cầu thị trường, giữ lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.