Tại hội thảo, nhiều nhà thầu xây dựng đồng loạt kêu khó vì nhiều quy định hiện hành chưa sát với thực tiễn hoạt động xây dựng, phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý. Đó là bất cập quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, vướng mắc trong thực hiện hợp đồng xây lắp, một số quy định chồng chéo trong văn bản pháp luật...

Vướng mắc, rủi ro về pháp lý khiến nhà thầu xây dựng gặp khó
Vướng mắc, rủi ro về pháp lý khiến nhà thầu xây dựng gặp khó. Ảnh: Hải Anh

Nêu một số rủi ro, bất cập quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, bất lợi cho các nhà thầu Việt Nam, ông Dương Văn Cận - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: “Sản phẩm xây dựng là sản phẩm đặc thù, do tính chất đặc thù nên hoạt động xây dựng chịu nhiều rủi ro từ giải phóng mặt bằng, thay đổi cơ chế chính sách, thời tiết, giá vật liệu thay đổi... Nhưng quy định hiện hành lại chưa sát với thực tiễn khiến nhà thầu gặp khó đủ đường.

Giá vật liệu tăng đột biến 40 - 45%, không nhà thầu nào biết trước được khi ký hợp đồng, trong khi giá hợp đồng trọn gói gây nhiều bất lợi cho nhà thầu".

"Những đột biến về giá vật liệu tăng, ngừng thi công do dịch bệnh, lũ lụt... nằm ngoài khả năng kiểm soát, cần phải coi là bất khả kháng để điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu" - ông Cận đề xuất.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho hay: "Nhà thầu xây dựng chưa bao giờ khó như lúc này. Có những vấn đề không biết trách nhiệm của ai, đó là biến đổi giá và thay đổi về chính sách. Mẫu hợp đồng trọn gói các nước làm nhiều, nhưng lạm phát tại nước họ chỉ vài %, đặc thù Việt Nam biến động giá lớn, đến từ nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước được".

Để phòng ngừa phòng ngừa các rủi ro tranh chấp hợp đồng xây dựng, ông Hoàng Thiệu Bảo - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) kiến nghị: “Cần nâng cao chất lượng soạn thảo hợp đồng, cần lường hết được phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sử dụng từ ngữ rõ ràng để tránh các bên lợi dụng để phạt vi phạm hợp đồng. Điều chỉnh bằng các phụ lục hợp đồng, tránh hoàn thành công trình mới xem xét gây ra tranh chấp khó xác định. Thực hiện quản lý hợp đồng trong quá trình thi công tuân thủ các điều khoản của hợp đồng, có căn cứ củng cố hồ sơ chứng minh vi phạm khi xảy ra tranh chấp”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay, khi tranh chấp xảy ra tại hợp đồng xây dựng, các chuyên gia kinh tế, nhà thầu tham dự hội nghị cho rằng, việc tiến hành giải quyết bằng trọng tài và hòa giải sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Bởi tại nhiều quốc gia trên thế giới, phương thức này được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, đó là tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.