Nhiều chỉ số phục hồi tốt

Phân tích các diễn biến của kinh tế Việt Nam gần đây, các chuyên gia WB nhận định, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số liệu kinh tế - xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy. Tình hình kinh tế đang tiếp tục cải thiện và tăng trưởng đang phục hồi.

WB: Kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện, tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trở lại. Ảnh: LV

Các chỉ số di chuyển phục hồi nhờ những biện pháp hạn chế được nới lỏng. Sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khác dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong tháng 10, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và các hoạt động kinh tế được khôi phục. Sự phục hồi đặc biệt mạnh mẽ ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và hiệu thuốc, quay trở lại gần với mức trước đại dịch.

Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại, thu hẹp khoảng cách với mức đạt được cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trở lại, nhưng chặng đường phục hồi còn dài.

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% (so với tháng trước) trong tháng 9 lên 18,1% (so với tháng trước) trong tháng 10 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa. Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% (so với tháng trước) trong tháng 10.

Cán cân thương mại thặng dư trong tháng thứ hai liên tiếp nhờ tăng trưởng nhập khẩu chậm lại. Thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% (so với cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 xuống còn 8,1%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.

Vốn FDI đăng ký đã giảm 47,4% (so với tháng trước) trong tháng 10 sau 3 tháng phục hồi mạnh mẽ. Ngược lại, nhờ các hạn chế đi lại được nới lỏng, giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi, tăng 10% (so với tháng trước) mặc dù vẫn thấp hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu. Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 10 sau một thời gian ngắn giảm tốc nhờ nền kinh tế đang phục hồi. Ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư sau 2 tháng thâm hụt.

Với vốn đầu tư công giải ngân chậm, Chính phủ chỉ vay mức vốn khiêm tốn 15,6 nghìn tỷ đồng (0,67 tỷ USD) trên thị trường trong nước trong tháng 10, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 264,4 nghìn tỷ đồng (14,4 tỷ USD), tương đương 75,5% kế hoạch năm. Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí vay ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ 3 điểm cơ bản lên 2,15% vào cuối tháng 10.

Tiếp tục chú ý theo dõi sức khỏe của khu vực tài chính

Theo WB, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Các chuyên gia WB nhận định, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi, 3 hướng hành động chính vẫn có ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, về mặt y tế, việc tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin một cách nhanh chóng và tăng cường cảnh giác bằng biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ đóng vai trò quan trọng, vì số ca nhiễm dự kiến sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng mức độ di chuyển và tiếp xúc.

Thứ hai, can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả. Theo WB, chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Thứ ba, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu, trong khi đẩy mạnh trợ giúp xã hội có thể thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân.

WB cũng khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chú ý theo dõi và giám sát chặt chẽ sức khỏe của khu vực tài chính. Bên cạnh đó, lạm phát cũng cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá./.