GDP tăng trưởng tốt Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt hơn so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2013. Theo đó, năm 2013 Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng GDP ở mức 5,3% và sẽ tăng dần 0,1% vào các năm 2014 và 2015. Theo ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP 5,3% trong năm 2013 có thể coi là thấp so với mức duy trì 7% trước đây, nhưng so với mặt bằng thế giới thì lại tốt. Việt Nam còn có thể cải thiện mức tăng trưởng này. Ông Sandeep Mahajan cũng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tiếp tục được củng cố. Lãi suất giảm, cùng với việc kiểm soát giá lương thực thực phẩm khiến cho lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng giảm ở tất cả các nhóm: Thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. WB đánh giá, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn còn cao. Ảnh: ĐT Còn nhiều trở ngại Theo WB, bên cạnh những thành tích, kinh tế Việt Nam vẫn đang trì trệ, tăng trưởng ở mức thấp và nhiều trở ngại cần khắc phục như: sụt giảm niềm tin của khu vực tư nhân; dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp; tiến độ cải cách DNNN còn chậm chạp; cải cách ngân hàng còn mong manh. Báo cáo của WB cho thấy,đầu tư của tư nhân giảm mạnh từ 15% GDP (2007-2010) xuống còn khoảng 11,5% GDP vào năm nay. Các DN có xu hướng giảm đầu tư hoặc không mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) phần lớn thời gian của năm 2013 nằm dưới ngưỡng 50 hàm ý sản xuất của ngành chế tạo có chiều hướng co hẹp. Đối với cải cách DNNN, WB nhận định, Việt Nam vẫn chưa đạt được tiến độ đề ra. Nguyên nhân là bởi chủ trương về phân loại sở hữu nhà nước còn chưa hoàn toàn rõ ràng. Một số mục tiêu cơ cấu lại DNNN còn chưa thực tế. Các quyết định từ trên xuống thiếu đồng bộ, quy định pháp lý chưa rõ ràng và phân tán. Phân tích, đánh giá về tài chính và hoạt động cho quá trình thoái vốn, tái cơ cấu còn yếu. Vấn đề cải cách ngân hàng cũng đang là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam. Nợ xấu vẫn còn cao và việc phân loại nợ chưa theo kịp chuẩn mực quốc tế. Ông Sandeep Mahajan cho rằng, VAMC là biện pháp mà Chính phủ đã triển khai, góp phần giải quyết vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam cần phải đẩy mạnh áp dụng và tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế liên quan trong xử lý nợ xấu, thông tin về nợ xấu cần minh bạch và chính xác hơn. Ngoài ra, cần quan tâm đến các quy định về phá sản, vỡ nợ và quyền của người cho vay. Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam, WB đánh giá là tích cực, tuy nhiên sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro./.

Trung Ninh