Qua khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại.

Điều đó cho thấy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn ở nước ta hiện nay đáng báo động.

Chỉ 4,1% làng nghề xử lý nước thải

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay cả nước có khoảng 5.096 làng nghề là làng có nghề trong đó số làng nghề đã được công nhận là 1.748 làng nghề. Các làng nghề tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng hơn 50%, vùng Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 25%.

GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, phần lớn các làng nghề hiện nay có quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư, quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu tận dụng sức lao động trình độ thấp, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

“Qua khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại”. Trung bình hàng ngày có tới 15.000m3 nước thải phát sinh, phần lớn là chưa được xử lý và xả thải trực tiếp ra các kênh mương, ao hồ khu vực làng nghề và vùng lân cận - GS Chi cho hay.

Chất thải rắn của hầu hết các làng nghề được thu gom chung với chất thải sinh hoạt và chưa được xử lý triệt để, cùng với sự gia tăng về số lượng và các loại hình làng nghề, chất thải rắn ngày càng tăng và phức tạp về thành phần, gây tác động xấu tới môi trường và nguồn nước ngầm.

Mập mờ làng nghề và làng có nghề

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, việc xử lý ô nhiễm làng nghề gặp nhiều khó khăn do hiện nay việc định nghĩa về làng nghề đang rất lộn xộn.

“Các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất được hiện cả nước có bao nhiêu làng nghề, làng có nghề. Lúc thì nói cả nước có 4.000 làng nghề, lúc nói 3.000, khi lại nói là chỉ có 1.500 làng nghề. Trong khi đó, qua khảo sát những làng sản xuất không phải làng nghề truyền thống là ô nhiễm nhiều nhất”, ông Tùng cho hay.

Hàng chục làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trong cả nước đã được đầu tư kinh phí để cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm. Thế nhưng, một số cá nhân vẫn cố tình vi phạm, núp bóng làng nghề trục lợi, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề càng khó kiểm soát.

Ông Tùng cho biết thêm, ô nhiễm môi trường làng nghề gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nông thôn, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng gia tăng qua các năm, đặc biệt ở các khu vực sản xuất đang bị ô nhiễm hoặc gần các nguồn gây ô nhiễm đã xuất hiện một số “làng ung thư”.

“Vấn đề bức xúc nhất của làng nghề hiện nay là phát triển sản xuất chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bị bỏ ngỏ. Đặc biệt, công tác quản lý môi trường còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý”, ông Tùng nhận định.

Ông Tùng đề xuất, trước những vấn đề bức xúc về môi trường làng nghề hiện nay, điều cấp thiết là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề một cách hệ thống và đồng bộ, tránh sự chồng chéo giữa các bộ, ngành. Đồng thời, Tổng cục Môi trường cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý vi phạm đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường.

Hồng Quyên