Xuất khẩu của Việt Nam trên đà phục hồi, tăng trưởng

Tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đang duy trì vị trí đầu tàu dẫn dắt trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ảnh: TL

Xuất siêu 5,1 tỷ USD

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, lũy kế từ ngày 1/1 đến hết ngày 14/2/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng thời gian năm 2023 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 14/2, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 5,1 tỷ USD. Trong đó, thống kê sơ bộ trong thời gian dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 8/2 - 14/2), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo thống kê ghi nhận của Bộ Công thương, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất. Từ những ngày đầu năm các đơn hàng đã tới tấp khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, công ty chính thức trở lại hoạt động bình thường từ ngày 15/2 (mùng 6 tết), đơn vị đã tổ chức cho công nhân làm việc 2 ca/ngày để kịp tiến độ đơn hàng sau tết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cũng cho biết toàn bộ công ty làm việc lại vào ngày 15/2. Ngay ngày khai trương đầu năm GC Food đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và công ty đã giao ngay gần 60 tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là nha đam và thạch dừa cho các khách hàng trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng bán ra tăng gấp đôi – là một khởi đầu rất thuận lợi khi có đơn hàng khối lượng lớn, tính bằng container.

"Nguyên nhân của việc khách hàng nhập hàng nhiều ngay đầu năm bởi tiêu dùng dịp tết vừa qua khá tốt, không giảm như dự báo. Do đó, các khách hàng thận trọng, nhập hàng số lượng ít đã hết hàng nên phải bổ sung hàng mới ngay đầu năm. Ngoài ra, ngay đầu năm đã có các đợt nắng nóng khiến các mặt hàng nha đam, thạch dừa của công ty có nhu cầu cao trên thị trường" - ông Thứ phân tích.

Với ngành hàng dệt may (mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam), ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thông báo tin vui, đơn hàng tương đối đủ cho 6 tháng đầu năm 2024, đơn hàng khá tốt trong quý I này. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị may mặc miền Trung, miền Bắc có lượng lao động quay lại làm việc đạt trên 95%.

Mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6% là khả thi

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng 2023 của khu vực Đông Nam bộ đạt 200,5 tỷ USD..

Bình luận về bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay năm 2024, Bộ Công thương cũng đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6% và xuất siêu 15 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu này là khả thi.

Mặc dù tín hiệu phục hồi xuất khẩu khá tốt trong 2 tháng đầu năm 2024, ông Thanh Hải lưu ý, trong bối cảnh xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp kéo dài hiện nay, việc tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do mở rộng thêm các thị trường mới là nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành. Bộ Công thương đặc biệt quan tâm, nhằm giúp doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu giữ vững được nhịp tăng trưởng.

Đồng thuận với đánh giá nêu trên, để cập đến hoạt động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, đơn hàng xuất khẩu quay trở lại là điều rất đáng mừng. Nhưng hầu hết các đơn hàng xuất khẩu mới chỉ là ngắn hạn, dài nhất cũng chỉ đến tháng 6/2024.

Để tăng trưởng xuất khẩu được bền vững, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm,… của các thị trường nhập khẩu. Tiếp theo, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tăng tỷ lệ nội địa hóa từ đó đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu của hoạt động của sản xuất kinh doanh. Từ đó, hạ thấp giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, thách thức và cơ hội đan xen, nhưng xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục.

Để tận dụng hiệu quả cơ hội nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu năm 2024.

Theo đó, thứ nhất là ngành Công thương tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu; tham mưu các giải pháp ứng phó để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, ngành tham mưu với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sớm ký hiệp định thương mại (FTA) với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD. Đồng thời, ngành Công thương đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA bảo đảm cao nhất lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng, linh hoạt các hình thức, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lợi ích kép từ tăng trưởng xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng trở lại giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. Xuất khẩu tăng có nghĩa hàng tồn kho của doanh nghiệp đã giảm cùng với tăng đơn hàng mới sẽ giúp cho sản xuất phục hồi. Trong khi đó, sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP.