Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, doanh nghiệp "khát đơn hàng”

Theo thống kê, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Công thương cảnh báo, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9/2022, nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10/2022 tăng không nhiều so với tháng trước đó.

Tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.

Nguồn: Bộ Công thương       				  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Về nguyên nhân giảm tốc xuất khẩu, đại diện Bộ Công thương cho hay, xuất khẩu giảm tốc do tác động của thị trường thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực. Với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 10 tháng năm nay.

“Tuy nhiên, thời gian tới thị trường xuất khẩu sẽ phải đối mặt thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế” - ông Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, tình hình xuất khẩu sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm nay. "Thời điểm này, các doanh nghiệp đang xoay xở để duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ đơn hàng cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Chẳng hạn các doanh nghiệp thuộc Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh gần đây có liên kết với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường này" - ông Hồng nói.

Tiếp tục tận dụng các ưu đãi thuế quan và đẩy mạnh xuất khẩu

Đề cập đến tình hình thị trường thế giới hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bối cảnh quốc tế có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD. Trong khi đó tại thị trường nội địa, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu, do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.

Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm, do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%. Xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu các doanh nghiệp cần năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác mới vì sắp tới sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới. Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA) gia tăng và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 cao hơn năm 2021, tạo đà cho năm 2023 - được dự báo là còn nhiều khó khăn hơn.

Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Đặc biệt, bộ sẽ tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO… cần được đẩy nhanh thông qua việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục); hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu…

Tận dụng CPTPP, gia tăng xuất khẩu ở thị trường châu Mỹ

Sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu Việt Nam sang thị trường CPTPP tăng lên nhanh chóng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, thì Việt Nam là nước thành viên tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

Theo thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 8 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng, CPTPP đã mang lại thay đổi rất lớn đối với ngành da giày. Đó là tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%. Bên cạnh đó, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3%. Riêng cá tra, Mexico là thị trường nhập khẩu số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.