20 sản phẩm OCOP được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý

Những năm trước đây, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai chương trình OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm truyền thống của địa phương đã được đâu tư để nâng cao chất lượng, hấp dẫn hơn về hình thức.

Yên Bái: Quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP được quảng bá tại Hà Nội. Ảnh: Hải Anh
Yên Bái cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi vừa là đặc sản vừa là thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Yên Bái mang đậm bản sắc địa phương.

Từ khi triển khai Chương trình OCOP, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm được các tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng như kiểu dáng, mẫu bao bì, tem nhãn, câu chuyện sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, QR code, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, định hướng xây dựng chuỗi liên kết...

Chính vì vậy, đến nay, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 - 4 sao. Mẫu mã, chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, nhiều tiềm năng cả trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt là Chương trình OCOP đã hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm cho 17 sản phẩm Yên Bái và đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm: 3 chỉ dẫn địa lý là quế Văn Yên, gạo Mường Lò, tre Bát độ.

Chương trình cũng hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp xây dựng 6 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là chè Suối Giàng Yên Bái, sơn tra Mù Cang Chải, bưởi Đại Minh Yên Bình, cá hồ Thác Bà, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng. Cùng 8 nhãn hiệu tập thể là cam Lục Yên, cam Văn Chấn, gạo Bạch Hà Yên Bình, gạo nếp Tú Lệ Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo Hương chiêm Đại Phú An, thịt hun khói Mường Lò, hồng chùm không hạt Lục Yên...

Tích cực triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số văn bản liên qua đến việc triển khai thực hiện chiến lược.

Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của chiến lược được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt một số nội dung quan trọng của chiến lược đang được triển khai lồng ghép vào chính sách phát triển từng ngành, lĩnh vực.

Yên Bái: Quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm Tuyến Sơn Trà, OCOP Yên Bái được bảo hộ nhãn hiệu. Ảnh: TL

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ luôn được quan tâm và đẩy mạnh.

Nhận thức của xã hội về vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được nâng cao và đạt được những kết quả nhất định, tạo ra động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Sau hơn 4 năm triển khai OCOP, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP. Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP này được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Yên Bái trên thị trường.