336 người chết, mất tích do ảnh hưởng của bão, mưa lũ và sạt lở đất |
Lào Cai tập trung tìm kiếm, cứu nạn và ổn định đời sống người dân Làng Nủ sau lũ. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN) |
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ 30 phút ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích).
Cụ thể: Lào Cai: 151 người (125 người chết, 26 người mất tích); Cao Bằng: 57 người (55 người chết, 2 người mất tích); Yên Bái: 54 người (53 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh: 25 người chết; Hải Phòng: 2 người chết; Hải Dương: 1 người chết; Hà Nội: 1 người chết; Hòa Bình: 7 người chết; Lạng Sơn: 3 người chết; Bắc Giang: 2 người chết; Tuyên Quang: 5 người chết; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết; Vĩnh Phúc: 2 người chết; Phú Thọ: 11 người (3 người chết do sạt lở đất, lũ; 1 người chết và 7 người còn mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu); Sơn La: 1 người mất tích do lũ cuốn; Thái Nguyên: 4 người chết; Thanh Hóa: 1 người chết.
Như vậy, tổng số người chết, mất tích là 330 người, giảm 18 người so với báo cáo lúc 6 giờ ngày 15-9, do 18 người trước đó được coi là bị mất tích tại các địa phương: Huyện Bắc Yên (Sơn La), huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Lào Cai (so với báo cáo ngày 14-9 giảm 22 người mất tích) đã có thông tin và vẫn còn sống. Ngoài ra, bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất cũng khiến 1.921 người bị thương.
Trong ngày 15/9, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão thăm hỏi, tặng quà, động viên chính quyền và nhân dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất.
Để hỗ trợ tỉnh Lào Cai khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 984/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024.
Cảnh giác trước diễn biến phức tạp của mưa lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tối 15/9, khu vực các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, thành phố Cao Bằng, Trùng Khánh (Cao Bằng); Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh (Bình Định).
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành văn bản số 923/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.Hiện lũ trên hệ thống sông đang xuống, tuy nhiên mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông...
Bão số 3 và mưa lũ đã gây ra 300 sự cố đê điều, uy hiếp đến an toàn đê. Do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực bản Bèo (xã Tường Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã xuất hiện các vết nứt từ trên đỉnh núi, nguy cơ cao gây sạt lở, đe dọa trực tiếp 6 hộ gia đình, với 23 nhân khẩu và giáo viên, 11 trẻ em tại điểm trường Mầm non của bản.
Ủy ban Nhân dân huyện Phù Yên đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương di dời người dân, giáo viên, học sinh đến nơi an toàn.
Tại khu vực bản Ngậm (xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cũng xuất hiện các rãnh nứt trên đỉnh đồi, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đe dọa an toàn của 108 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu. Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Yên đã sơ tán khẩn cấp các hộ dân của bản ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng phó khi có thiên tai xảy ra./.