![]() |
Tác giả trong một chuyến công tác tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. |
Đó là những ngày cuối tháng 9/2024, hai tuần sau khi mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra những trận lũ quét, sạt lở nghiêm trọng khắp Lào Cai, tôi cùng các đồng nghiệp có dịp cùng đoàn công tác của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đến Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu về công tác khắc phục hậu quả và sự hỗ trợ của ngân hàng đối với những khách hàng sau bão.
Đã từng đặt chân đến Lào Cai nhiều lần, trong ký ức của tôi, đó là một thành phố biên giới sôi động nằm bên ngã ba sông Hồng và Nậm Thi, nơi giao thương tấp nập với Trung Quốc, nơi những con đường rợp bóng cây xanh và phố xá ấm cúng bên dòng sông. Thế nhưng, lần này trở lại, tôi gần như không nhận ra nữa. Bão Yagi không đi qua trực tiếp, nhưng hoàn lưu của nó đã trút xuống vùng đất này những cơn mưa dài, cuốn theo cả sự bình yên của phố núi.
Ngay giữa lòng thành phố, cả một dãy phố bị sạt lở đất khiến nhiều ngôi nhà nghiêng ngả và trở thành những đống đổ nát, 53 hộ dân mất nhà. Anh Nam - một người dân địa phương - kể với giọng nghẹn ngào, đất đá đổ xuống quá nhanh, gia đình anh chỉ kịp gom theo vài vật dụng thiết yếu. Ngôi nhà - cùng với toàn bộ tài sản tích cóp bao năm – đã bị chôn vùi. Hiện cả nhà đang tá túc tạm bợ trong nhà văn hóa, chưa biết bao giờ mới được trở lại nơi từng gọi là “tổ ấm”.
Điểm đến tiếp theo của đoàn chúng tôi là Thủy điện Nậm Lúc ở Bắc Hà - nơi thiệt hại nặng nề nhất. Trận sạt lở đã san phẳng toàn bộ khu nhà điều hành. 5 cán bộ, nhân viên thiệt mạng - một mất mát không gì bù đắp. Máy móc bị ngập sâu trong nước lẫn bùn đất, nguy cơ hư hỏng nặng.
Quãng đường khoảng 20 km từ đường lớn đến Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, hậu quả cơn bão lũ vẫn còn hiện hữu, nhiều đoạn đường đã bị hư hại nghiêm trọng với nguy cơ sạt lở cao cản trở nghiêm trọng công tác khắc phục hậu quả. Trong lúc chúng tôi đến, các nhân viên của nhà máy vẫn đang miệt mài bơm nước, dọn dẹp, cố gắng cứu vãn từng thiết bị.
Đứng giữa khu nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, nơi từng là trung tâm điều phối vận hành cả một công trình lớn, giờ chỉ còn là một vùng đất trũng với những khung thép méo mó, bùn đất ngập đến đầu gối.
Theo lời kể của anh Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Kỹ thuật, Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, khoảng 23h30, ngày 9/9/2024, đợt sạt lở đầu tiên đổ ập xuống khu nhà điều hành. Chỉ trong tích tắc, khu nhà ăn và một phần nhà điều hành ngập trong đất đá sau tiếng đổ ầm ầm.
Toàn nhà máy lúc đó có 27 người trực chống lũ. Sau khi nước tràn vào nhà máy thủy điện ở bên dưới, mọi người quyết định rời lên nhà điều hành - được xây ở khu vực cao hơn để tránh và nghỉ ngơi, nhưng không ngờ, đợt sạt lở ập đến.
Suốt đêm hôm đó, khoảng 7/8 đợt sạt lở liên tiếp diễn ra tại khu nhà điều hành, 5 cán bộ nhân viên bị vùi lấp, 22 người may mắn thoát khỏi thảm họa ấy, người trầy xước nhẹ, người bị thương nặng cùng hỗ trợ, dìu nhau men theo con đường nhỏ lên đồi.
Anh Vinh nhớ lại, thời tiết lúc đó mưa lớn, đường trơn trượt, anh chị em không quen đường núi, nên không thể mạo hiểm đi đêm về xã. 22 người ngồi bên nhau trên đồi, nơi mất điện và mất sóng điện thoại, hoàn toàn bị cô lập, thức trắng đêm. Giữa trưa 10/9, nhóm cán bộ nhân viên nhà máy thủy điện xuống tới Bản Cái trú tại nhà văn hóa Bản Cái và nhận được sự trợ giúp của cơ quan chức năng. 5 ngày sau khi nhận thông tin sự việc và bắt đầu công tác cứu nạn, lực lượng chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ kết hợp một số máy móc đã tìm được thi thể 5 cán bộ nhân viên bị vùi lấp.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Tất Anh, người đang tạm thời điều hành nhà máy - chia sẻ khó khăn lớn nhất lúc này là chưa có điện lưới. “Máy móc ngâm trong nước và bùn, chưa bơm ra được thì chưa thể đánh giá mức độ thiệt hại. Nếu đưa vào vận hành sớm mà không kiểm định kỹ, rủi ro là rất lớn. Đây là cú sốc lớn đối với chúng tôi. Thiệt hại về hạ tầng đã hơn 100 tỷ đồng, chưa kể việc phải dừng hoạt động trong thời gian dài sẽ khiến doanh thu về 0".
Giữa khung cảnh ngổn ngang ấy, điều khiến tôi xúc động nhất lại đến từ một tia sáng tích cực, sự vào cuộc nhanh chóng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Các cán bộ ngân hàng chủ động đến với họ, chia sẻ mất mát, đồng hành sau bão. Tôi chợt nhận ra khoảng cách giữa chính sách và người dân đã được rút ngắn hơn bao giờ hết - và báo chí, bằng cách nào đó, cũng đang góp phần trong hành trình ấy.
Chuyến đi ấy đã thay đổi tôi, như một lời nhắc rằng nghề báo không chỉ là kể lại chuyện đã xảy ra, mà còn là làm nhân chứng, là cầu nối và là người giữ lửa cho những điều tưởng chừng sẽ bị lãng quên trong dòng chảy thời gian. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại, tôi lại thầm biết ơn chuyến đi ấy - nơi tôi không chỉ làm nghề, mà còn thấu hiểu sâu sắc hơn về con người, về thiên nhiên và về chính bản thân mình.
|