Công nghệ thông tin đóng góp vai trò quan trọng trong quản lý thuế
Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai công nghệ thông tin năm 2023, ứng dụng công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số ngành Thuế. Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, trải qua 32 năm phát triển với sự nỗ lực của lớp lớp các thế hệ cán bộ công nghệ thông tin (CNTT), ngành Thuế đã hoàn thành triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh (giữa) chủ trì Hội nghị tập huấn triển khai công nghệ thông tin năm 2023, ứng dụng công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số ngành Thuế. Ảnh: Tôn Trường |
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT), ngày 1/7/2022 đã triển khai HĐĐT đến 100% doanh nghiệp (DN), hộ cá nhân kinh doanh thuộc diện phải áp dụng trong cả nước. Đến nay, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 tỷ HĐĐT. Bình quân 1 ngày ngành Thuế tiếp nhận, xử lý khoảng 100 triệu hóa đơn. Với kết quả này, ngành Thuế đã xây dựng được kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Cùng đó, để cung cấp thêm lựa chọn cho người nộp thuế (NNT) thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước bằng phương thức điện tử, Tổng cục Thuế đã xây dựng ứng dụng eTax Mobile và bắt đầu triển khai từ ngày 21/3/2022. Tính đến giữa tháng 4/2023, đã có 345.966 lượt cài đặt sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 276.652 giao dịch, với tổng số tiền thuế đã nộp NSNN qua ứng dụng này là trên 950 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngày 21/3/2022, Cục CNTT đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), nhằm hỗ trợ các NCCNN đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam tại bất cứ đâu trên thế giới đối với khoản thu nhập nhận được từ Việt Nam. Kết quả, đến nay đã có 49 NCCNN từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế, với tổng số thu lũy kế đạt trên 5.000 tỷ đồng. Một số đơn vị có số nộp lớn như: Apple, Google, Meta (Facebook)…
“Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói. |
Ông Phạm Quang Toàn cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về triển khai HĐĐT từ máy tính tiền, toàn ngành Thuế đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã tập trung nguồn lực để triển khai từ năm 2022. Đến nay đã có 12.864 DN, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, với số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 2,8 triệu hóa đơn.
Đồng thời, Cục CNTT đã phối hợp với Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân triển khai hiệu quả chương trình quay số “Hóa đơn may mắn”. Ông Toàn cho biết, nếu như thuê các DN bên ngoài triển khai chương trình này, sẽ phải mất vài trăm tỷ đồng và thời gian triển khai sẽ mất cả năm. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của tập thể cán bộ Cục CNTT, thời gian triển khai chỉ mất 1 tháng. Đến nay đã có 100% cục thuế hoàn thành việc tổ chức lựa chọn “Hóa đơn may mắn”. Năm 2022, với 3 kỳ quay thưởng, đã có 4.269 giải thưởng được trao với tổng số tiền là hơn 9,65 tỷ đồng. Các cục thuế đang tiếp tục thực hiện lựa chọn “Hóa đơn may mắn” quý I/2023 trong tháng 4/2023.
Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm cho người nộp thuế
Ông Phạm Quang Toàn nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của tổ chức về cách làm việc và phương thức hoạt động dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số chỉ thành công khi trở thành chiến lược cốt lõi và bao trùm lên mọi hoạt động, mọi bước đi của tổ chức.
Ngành Thuế đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4; 90% thủ tục hành chính điện tử đạt cấp độ 3, 4; 100% NNT được cấp định danh và xác thực điện tử. Trong công tác quản lý thuế sẽ có 80% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra thực hiện trên môi trường số cấp độ 3, 4; 100% nhu cầu, công việc tin học hóa được tập trung tích hợp; 100% hồ sơ cán bộ được lưu trữ điện tử.
Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT báo cáo tiến độ triển khai ứng dụng CNTT ngành Thuế tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên |
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Phạm Quang Toàn cho hay, các ứng dụng CNTT ngành Thuế sẽ được xây dựng theo hướng cung cấp dịch vụ lấy NNT làm trung tâm, trong đó cơ quan thuế cung cấp dịch vụ thuế số cho NNT và nâng cao trải nghiệm, tăng sự hài lòng của NNT. Cơ quan thuế sẽ cung cấp dịch vụ khai thác thông tin quản lý thuế cho công chức thuế; cung cấp dịch vụ kết nối, trao đổi, thu thập thông tin theo kiến trúc Chính phủ điện tử.
"Cục CNTT cũng đã đảm bảo hạ tầng kỹ thuật vận hành ổn định, thông suốt; công tác an toàn an ninh thông tin, nâng cao tính bảo mật được giám sát chặt chẽ, qua đó ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan thuế, cũng như hỗ trợ kịp thời cho NNT. Những kết quả của hệ thống CNTT của ngành Thuế đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ghi nhận và đánh giá cao" - ông Toàn nói. |
Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế và quản lý nội ngành, Cục CNTT sẽ tham mưu cho Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống quản lý thuế đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và chương trình chuyển đổi số quốc gia; mở rộng triển khai áp dụng HĐĐT; triển khai hệ thống phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý nội bộ của cơ quan thuế.
Cùng đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế số cung cấp cho người dùng; trong đó trọng tâm là xây dựng nền tảng quản lý dữ liệu lớn; dữ liệu chủ; siêu dữ liệu, cung cấp dịch vụ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xử lý, khai thác, chia sẻ, phân tích,…
Đặc biệt, sẽ tiếp tục nâng cấp, triển khai hệ thống quản trị, vận hành hệ thống, giám sát hạ tầng CNTT, giám sát an toàn thông tin, dò quét, xử lý lỗ hổng theo hướng hiện đại, đáp ứng theo các tiêu chuẩn thế giới và khu vực, qua đó từng bước nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế./.