Đây là một kết quả điều tra của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCSEIF) tại báo cáo “Điều tra khảo sát niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam” công bố sáng 16/1.

Niềm tin tăng lên trong những tháng cuối năm

Dự án “Điều tra khảo sát niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam” được tiến hành khảo sát ở 7 quận/huyện của TP Hà Nội nhằm xây dựng chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hà Nội. Thông qua khảo sát tại Hà Nội sẽ đề xuất bộ bảng hỏi và quy trình khảo sát, xây dựng chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, chỉ số niềm tin tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 ở mức 41 điểm, phản ánh tâm trạng bi quan rõ nét của người dân. 6 tháng cuối năm, chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng lên mức 49,5 điểm, sát với mức trung bình 50 điểm. Tuy nhiên, người dân vẫn bi quan về các lĩnh vực: kinh tế, việc làm và thu nhập.

Về thu nhập gia đình, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 6,3% cho rằng thu nhập của gia đình họ là cao, 34,1% cho biết thu nhập của gia đình họ thấp và 59,6% là thu nhập trung bình. Khi được hỏi về khả năng thu nhập của gia đình 6 tháng cuối năm 2013, 35,9 người được hỏi đánh giá tiêu cực, 33,1% đánh giá trung bình và 31% đánh giá tích cực. 6 tháng đầu năm, số người đánh giá công việc của họ không ổn định là 44%, sau đó giảm còn 31% trong 6 tháng cuối năm.

Một điểm lạc quan trong báo cáo là chỉ số kỳ vọng 6 tháng cuối năm đã tăng lên mức 55 điểm, cho thấy kinh tế Hà Nội, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện, mức chi tiêu cá nhân và hộ gia đình có xu hướng tăng.

Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực. Có 41,7% trong tổng số 1.268 người được hỏi nhận định kinh tế 6 tháng cuối năm 2013 là tích cực hơn 6 tháng đầu năm. Nếu như 6 tháng đầu năm chỉ có 3% số người được hỏi cho là tình hình kinh tế tốt và 54% cho rằng xấu thì 6 tháng cuối năm con số phần trăm người được hỏi cho rằng tốt đã tăng 41,7% và con số phần trăm cho rằng xấu đã giảm từ 54% xuống còn 39,4%.

6,3% dân Thủ đô cho rằng mình có thu nhập cao
Người dân trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Bloomberg.

Sau thu hồi đất, người trung niên khó tìm việc mới

Cũng tại buổi họp báo, NCSEIF đã công bố “Điều tra khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam”. Dự án khảo sát, phân loại những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới việc duy trì, phát triển sinh kế của người dân tại 3 địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh trong 10 năm gần đây là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong tổng số 900 hộ được điều tra, khoảng 1/3 đã từng bị thu hồi đất. Phần diện tích đất bị thu hồi gần như là hoàn toàn. Hệ quả của việc bị thu hồi đất là hộ sẽ phải chuyển nơi sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Với những hộ bị thu hồi đất, hầu hết số tiền được đền bù được dùng để xây dựng nhà cửa và một phần dành cho tiết kiệm và đầu tư.

Chuyển đổi nghề nghiệp của họ đi theo hướng tăng tỷ trọng người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, giảm nhanh số người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, với nhóm nhỏ lao động ở độ tuổi trung niên, đô thị hóa ảnh hưởng không tốt tới kế sinh nhai của họ do việc thay đổi nghề nghiệp ở tuổi này khó khăn hơn rất nhiều.

Theo kết quả điều tra, thu nhập bình quân của các hộ trong mẫu năm 2012 là 101 triệu đồng/năm, trong đó có 44% là từ lương và trợ cấp, 28% từ hoạt động buôn bán, dịch vụ, 9% là từ hoạt động làm thuê, 7% từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 12% là từ các hoạt động còn lại như trồng lúa và hoa màu hay chăn nuôi.

Bức tranh chung cho thấy đô thị hóa đã có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực đối với kế sinh nhai của người dân. Về cơ bản, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân đang theo hướng đi đúng, tức là từ khu vực có năng suất thấp (nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (phi nông) dẫn tới thu nhập từ các nguồn thu phi nông nghiệp cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Hoàng Yến