Áp dụng Basel cho phép các ngân hàng định lượng được rủi ro cho mọi hoạt động, mọi giao dịch đã và đang phát sinh. Lượng hóa được rủi ro sẽ giúp ngân hàng thương mại lượng hóa được vốn cần thiết cho mỗi giao dịch. Kết quả kinh doanh sẽ được so sánh đối chiếu với mức vốn cần thiết để đảm bảo an toàn, các ngân hàng từ đó có cái nhìn rõ hơn tỷ suất lợi nhuận tương ứng với mức độ rủi ro cho các hoạt động đã phát sinh. Với Basel, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro.
Cụ thể, đến nay, ABBANK đạt bước tiến lớn về tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II/III ở các rủi ro trọng yếu.
Khung Basel III cho hạng mục quản lý rủi ro thanh khoản tại ABBANK đã hoàn thiện khung quản trị và dữ liệu hệ thống. Ngân hàng đã thực hiện tính toán trên số liệu hiện tại và quá khứ để đánh giá hồ sơ thanh khoản của ngân hàng tại các chỉ số: LCR – Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio) và NSFR – Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio). Trong đó chỉ số NSFR đạt trên 100% cho dữ liệu của hai năm qua. Kết quả này tương đương với các ngân hàng đang triển khai Basel III trên thế giới.
![]() |
ABBANK tích cực triển khai công cụ quản lý rủi ro Basel III đáp ứng chuẩn quốc tế. Ảnh: Nguyễn Ninh |
Khung Basel cho việc quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng của ABBANK cũng đã hoàn thiện, được tính toán và công bố trong khung Basel II trước đó theo báo cáo “Rà soát tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN và nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN tại ABBANK” công bố vào cuối tháng 9/2021của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Theo đó, ABBANK được công nhận “tuân thủ hoàn toàn” cả 3 trụ cột chính của Basel II gồm: Quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR); đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); nguyên tắc thị trường (minh bạch và kỷ luật).
Khung quản trị rủi ro đạt theo chuẩn mực Basel III là cơ sở quan trọng để quản trị các rủi ro trọng yếu hiệu quả và toàn diện.
Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: “Tuân thủ chuẩn mực Basel II, III là yếu tố quan trọng của việc tạo dựng một nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, đảm bảo quá trình phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả. ABBANK đang tăng tốc trong việc hướng đến đáp ứng hoàn toàn chuẩn mực này, từ đó cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Bên cạnh việc hoàn thành các chuẩn mực Basel III, ABBANK cũng đang triển khai nhiều dự án đầu tư vào công nghệ nhằm phục vụ chiến lược số hoá toàn diện dịch vụ tài chính ngân hàng, từ các sản phẩm dịch vụ tài chính dành cho khách hàng cho đến mô hình quản trị - vận hành của hệ thống nội bộ.
Để phục vụ mục tiêu này, mới đây nhất ABBANK đã khởi động dự án “Tư vấn chiến lược công nghệ thông tin” với sự tư vấn của công ty Mckinsey Việt Nam. Đây là một trong các dự án trọng điểm nằm trong chiến lược 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ABBANK.