![]() |
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hơn 40 triệu việc làm. Ảnh minh họa |
PV: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã đưa ra những nhóm chính sách cụ thể để giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Ông thấy tâm đắc nhất với nhóm chính sách nào?
![]() |
TS. Nguyễn Văn Hiến: Có thể nói, Nghị quyết số 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng và đột phá của Đảng về tầm quan trọng của khu vực này.
Toàn hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc, cụ thể hóa Nghị quyếtTheo TS. Nguyễn Văn Hiến, toàn bộ hệ thống chính trị cần nhanh chóng vào cuộc như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chắc chắn Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ sớm được thấm nhuần, cụ thể hóa và phát huy tác dụng. |
Trong Nghị quyết số 68-NQ/TW có nhiều nhóm chính sách quan trọng, tuy nhiên tôi tâm đắc nhất nhóm chính sách thứ 3: “Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao…”. Từ trước đến nay, chúng ta nói nhiều đến bình đẳng kinh tế, nhưng trên thực tế, vẫn có sự khác biệt trong đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân.
Kinh tế nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu ái hơn trong việc phân bổ các nguồn lực phát triển so với kinh tế tư nhân, nhất là đất đai và vốn, trong khi khu vực kinh tế nhà nước thường hoạt động kém hiệu quả hơn dẫn đến các nguồn lực phát triển được sử dụng một các lãng phí, đặc biệt là đất đai. Ví như, ngay trong lĩnh vực giáo dục đại học, các trường đại học công lập thì thường được ưu tiên cấp đất, cấp ngân sách cho đào tạo, nhưng các trường đại học tư thì phải tự xoay sở rất khó khăn, đó cũng là một trong các rào cản làm cho khu vực tư kém phát triển.
PV: Ngày 11/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế", trong đó nêu lên những nhiệm vụ cấp bách để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Dưới góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận thế nào về những thông điệp quan trọng của bài viết này?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, có rất nhiều thông điệp Tổng Bí thư Tô Lâm muốn gửi đi qua bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế”. Trước hết, bài viết này thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược về xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu vô cùng quyết liệt đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu chúng ta không có chiến lược và bước đi đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển, Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội và tiếp tục rơi vào vòng lạc hậu, kém phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để tạo nên sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không thể trông chờ vào kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể hay thành phần kinh tế nào khác mà dứt khoát phải là kinh tế tư nhân, chỉ kinh tế tư nhân mới có đủ khả năng để bứt phá trong cuộc chạy đua về kinh tế trong thời đại ngày nay - đó là một tư duy chiến lược hết sức đúng đắn trong bài viết của Tổng Bí thư.
Phát triển kinh tế tư nhân - đây không chỉ là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, mà còn là một lời hiệu triệu nhằm phát huy tối đa sức mạnh của đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Tổng Bí thư khẳng định, kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, cho thấy vai trò không thể thay thế.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển thì không phải chỉ có hiệu triệu là đủ mà Nhà nước, Chính phủ phải thực sự thể hiện vai trò kiến tạo và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển thông qua việc xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và các yếu tố thể chế khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển. Phải phá bỏ mọi rào cản, khai thông mọi nút thắt, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển - đó chính là các thông điệp quan trọng trong bài viết của Tổng Bí thư.
Bên cạnh gửi đi các thông điệp quan trọng, Tổng Bí thư còn gợi mở các mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh đủ sức cạnh tranh toàn cầu ở một số quốc gia khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - đó cũng là con đường mà Việt Nam nên đi theo trong bước đường phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
PV: Ông có khuyến nghị gì để việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Để Nghị quyết 68-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, theo tôi trước hết Nhà nước cần sớm rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, minh bạch và công bằng, bảo đảm môi trường kinh doanh không có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và các khu vực kinh tế khác.
Cần sớm xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho” trong quản lý kinh tế, đặc biệt trong các ngành kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế, khi vận hành công tác quản lý, nhiều bộ, ngành đã đặt ra các điều kiện, trong đó có cả những điều kiện khá vô lý và không có nhiều ý nghĩa, buộc các doanh nghiệp, người dân phải tuân theo một cách miễn cưỡng. Nhiều điều kiện bị lạm dụng như công cụ để gây khó dễ, làm tăng chi phí phi chính thức, làm méo mó môi trường kinh doanh, đánh mất tính minh bạch và công bằng. Đây là lỗi của hệ thống thực thi, phản ánh tình trạng buông lỏng hoặc lạm quyền của một bộ phận cán bộ thực hiện. Do đó, để tháo gỡ tận gốc, cần rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, chồng chéo, gây cản trở doanh nghiệp, người dân.
Để xây dựng được một hệ thống pháp lý minh bạch rõ ràng, có thể phải nghiên cứu xây dựng một đạo luật về kinh tế tư nhân (như một số quốc gia đã áp dụng), trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quyền bảo vệ tài sản và quyền tự do kinh doanh chính đáng của người dân.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng để Nghị quyết mau chóng đi vào cuộc sống là toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương xây dựng chương trình hành động, tùy theo chức năng và nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành sẽ sớm đưa ra các chương trình và kế hoạch hành động cụ thể áp dụng Nghị quyết. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền và đặc biệt là phải kịp thời phản ánh những bộ ngành, địa phương tích cực và chưa tích cực trong việc quán triệt Nghị quyết và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động.
PV: Xin cảm ơn ông!