don

Đơn giản thủ tục KTCN góp phần giảm gánh nặng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia dự án Quản trị nhà nước tăng trưởng toàn diện (USAID - GIG) đánh giá, thủ tục KTCN của nhiều bộ, ngành chức năng còn phức tạp và lạc hậu. Vì vậy, cần phải chuyển đổi sang phương thức quản lý KTCN hiện đại.

binh

Ông Phạm Thanh Bình

PV: Sau hơn nửa năm thực hiện đề án nâng cao hiệu quả KTCN theo Quyết định 2026/QĐ-TTg, ông có cảm nhận thế nào về tiến độ cải cách thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới?

Ông Phạm Thanh Bình: Triển khai Đề án KTCN tập trung, tuy đã có những bộ, ngành tích cực vào cuộc, nhưng hiệu quả chưa cao. Lợi ích doanh nghiệp (DN) được hưởng từ mô hình này thực sự chưa rõ nét.

Điểm mấu chốt là phương thức quản lý của ta cần phải cải cách. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, một năm hơn 8 triệu lô hàng được thông quan, trong đó có từ 30 - 35% hàng hóa thuộc diện phải quản lý chuyên ngành. Với khối lượng lớn như vậy, cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan hải quan rất khó để kiểm tra, nếu không áp dụng phương pháp quản lý hiện đại.

Khó giảm thời gian thông quan hàng hóa có nguyên nhân chính do các bộ, ngành hiện nay vẫn thực hiện kiểm tra theo từng lô hàng: Lô nào về kiểm tra lô ấy, thậm chí hàng y chang nhau vẫn bắt buộc chứng nhận KTCN.

Chúng ta cần áp dụng phương thức quản lý hiện đại - chuyển từ kiểm tra trước sang kiểm tra sau thông quan, đã được quy định trong các hiệp định tự do thương mại và theo chuẩn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

PV: Thực hiện kiểm tra sau thông quan dễ dẫn đến rủi ro cho cơ quan quản lý. Trên thực tế đã có tình trạng, trong quá trình đưa hàng về bảo quản chờ chứng nhận KTCN, DN đã tự ý đưa hàng ra thị trường tiêu thụ. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Ông Phạm Thanh Bình: Vấn đề mấu chốt hiện nay là thời điểm KTCN không nhất thiết phải kiểm tra trước thông quan. Có nhiều mặt hàng có thể tiến hành kiểm tra sau thông quan, để giảm tải khối lượng công việc tại cửa khẩu. Những mặt hàng bắt buộc KTCN trước thông quan là hàng thuộc diện phải kiểm dịch, còn những mặt hàng kiểm tra chất lượng chẳng hạn có thể thực hiện kiểm tra sau thông quan.

Nếu thực hiện tốt cơ chế kiểm tra sau thông quan thì không ngại sự gian lận của DN. Các DN làm ăn lâu dài, chân chính không chọn cách làm chụp giật thế này. Hơn nữa, giả định, nếu có một DN cố tình vi phạm thì sự kết nối giữa các bộ, ngành với cơ quan hải quan hoàn toàn có thể xử lý được vụ việc; không chỉ xử lý chính lô hàng đó mà còn có thể đưa DN vào diện quản lý rủi ro, kiểm tra chặt chẽ những lô hàng tiếp theo. Thậm chí cơ quan chức năng có thể đưa ra những chế tài xử nặng đối với DN cố tình vi phạm.

PV: Để giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19/NQ-CP, theo ông đâu là giải pháp?

Ông Phạm Thanh Bình: Theo tôi, mấu chốt khó giảm thời gian thông quan hiện nay chính là phương thức quản lý và việc đơn giản thủ tục KTCN.

Qua theo dõi cho thấy, việc thực hiện rút ngắn thủ tục KTCN của các bộ, ngành chậm chuyển biến để theo kịp yêu cầu của Quyết định 2026/QĐ-TTg. Theo thống kê, đến nay mới chỉ có 5 bộ đã ban hành văn bản thay thế 10/87 văn bản yêu cầu; trong đó có 3/10 văn bản thay thế chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu; các văn bản được ban hành ở cấp thông tư, quyết định của bộ.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, thứ nhất, cần đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục, danh mục KTCN thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành. Loại trừ những mặt hàng không nhất thiết phải kiểm tra ra khỏi danh mục.

Thứ hai là, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN, để tạo sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước. Áp dụng cách thức, mức độ kiểm tra khác nhau đối với hàng hóa của các DN khác nhau trên cơ sở phân loại mức độ rủi ro đối với từng DN. Các bộ, ngành nên áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý, KTCN tương tự như việc công nhận DN ưu tiên của Tổng cục Hải quan; phân loại hàng hóa để xác định thời điểm kiểm tra trước hoặc sau thông quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Đối với DN nhập khẩu thương mại thì chi phí, thời gian, công sức cho việc xác nhận KTCN cho từng lô hàng là rất bất tiện. Trong khi cơ quan hải quan cũng tốn kém nhân lực, thời gian cho việc chờ đợi kết quả TKCN để thông quan hàng hóa. Cách làm này rất lạc hậu, không phù hợp với các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã cam kết, đồng thời không còn phù hợp với xu hướng cải cách phương thức quản lý hiện nay”- ông Phạm Thanh Bình – chuyên gia USAID-GIG

Bảo Châu - Hải Anh