Kiểm soát tốt các cân đối ngân sách

Tham luận tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, những năm qua dư địa tài khóa được cải thiện đáng kể, thu ngân sách đạt và vượt dự toán đề ra. Tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Việc điều hành linh hoạt chính sách tài khóa một mặt tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, mặt khác hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, các đối tượng yếu thế; hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở vẫn đảm bảo kiểm soát tốt cân đối NSNN, đảm bảo an ninh nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Áp lực đảm bảo mức bội chi cả giai đoạn

Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính phải thực hiện nhiều giải pháp gia hạn, miễn, giảm tiền thuế và tiền thuê đất. Tổng số tiền thuế và thu NSNN đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu NSNN để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Vẫn đảm bảo đủ nguồn
cho đầu tư phát triển

Mặc dù thu ngân sách nhà nước khó khăn, thu ngân sách trung ương năm 2020 hụt khoảng 91 nghìn tỷ đồng so với dự toán; đánh giá năm 2021, thu ngân sách trung ương hụt khoảng 28 - 29 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong khi nhiều nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh; nhưng ngân sách nhà nước luôn đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển. Số vốn chi đầu tư công thực hiện năm 2020 (bao gồm cả số chuyển nguồn, nguồn tăng thu ngân sách địa phương và dự phòng ngân sách các cấp) đạt 550 nghìn tỷ đồng (dự toán 497,26 nghìn tỷ đồng). Đối với năm 2021, dự toán chi đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 222 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tân, các chính sách về chi ngân sách cũng được ban hành kịp thời, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng như lực lượng tuyến đầu chống dịch; người bị nhiễm Covid-19, bị cách ly; người lao động, người sử dụng lao động; hộ kinh doanh bị giảm sâu thu nhập; các đối tượng yếu thế… Các chính sách về chi NSNN đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đến ngày 10/11/2021, Trung ương đã quyết định chi là 35,47 nghìn tỷ đồng, trong đó chi 32,98 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ và hỗ trợ các địa phương chi cho phòng, chống dịch (bao gồm cả mua vắc-xin), hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (bao gồm cả kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19).

Nhiều thách thức thu ngân sách

Để cân đối ngân sách trong bối cảnh nguồn thu chịu tác động tiêu cực, chi ngân sách phát sinh lớn, chúng ta đã thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Trong đó, năm 2020 đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi NSNN năm 2020 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2021, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai..., với số tiền khoảng 20,67 nghìn tỷ đồng.

Những thách thức đặt ra trong thời gian tới cũng được ông Nguyễn Minh Tân chỉ ra, đó là, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể. Trong đó: Bội chi NSNN năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4% GDP theo dự toán; dự kiến năm 2022 cũng ở mức 4% GDP (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh), đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, thu NSNN khó khăn cũng là một thách thức trong thời gian tới. Điều này có nguyên nhân một mặt do tác động của dịch Covid -19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có thời gian để kinh tế phục hồi (IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 thấp hơn năm 2021); mặt khác do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là ngân sách trung ương…

* Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Chấp nhận tăng bội chi và nợ công để thúc đẩy tăng trưởng

Theo số liệu của IMF và tổng hợp của Viện Đầu tư và nghiên cứu BIDV, tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh). Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng sự đồng lòng, tinh thần chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng; vừa đảm bảo sức khỏe người dân vừa tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhằm tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc.

* Ông Hà Huy Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Chính sách tài khóa tích cực là phải biến thách thức thành cơ hội

“Chính sách tài chính tích cực” là khái niệm đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng năm 1988 - 1989 do Trung Quốc khởi xướng. Trung Quốc thực hiện chính sách này, tăng chi nhưng không giảm thu. Đối với Việt Nam, trong 20 năm, đã thực hiện khi thì tăng chi trong đầu tư và khi thì tăng chi trong lĩnh vực xã hội. Tôi cho rằng, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để chúng ta có thêm niềm tin trên con đường đang đi.

Quan điểm chính sách tài khóa tích cực đó là phải biến thách thức thành cơ hội; chấp nhận làm quen với trạng thái bình thường mới; thực hiện linh hoạt, không nuối tiếc cách làm truyền thống; coi chính sách tài khóa là chính sách quyết định, quan trọng.

Giải pháp tài chính đưa ra đó là: cơ cấu lại ngân sách, cơ cấu lại thu ngân sách (tập trung vào bất động sản, đất đai, kinh tế số, chứng khoán); cơ cấu lại chi ngân sách (chi cho chống dịch, đầu tư công…).

* Bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia:

Không thể giãn, giảm, miễn thuế mãi được

Tôi cho rằng, việc giãn, giảm, miễn thuế Bộ Tài chính thực hiện thời gian qua như thế là đủ rồi. Không nên tiếp tục cứ thực hiện miễn, giảm mãi được.

Trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách. Căn cứ vào đâu để thực hiện điều đó, trên thực tế, lạm phát của chúng ta hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn. Trong bối cảnh đó, tăng chi cho đầu tư phát triển là đúng hướng.

Tuy nhiên, điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý: khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế.