trang 7

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 15/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tài chính vừa ban hành.

Ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo

Trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp và khó khăn như hiện nay, quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là vừa hợp lý, chặt chẽ vừa hiệu quả, nhân văn.

Trong Thông tư số 15/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể, đối tượng nhận hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a; xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Đặc biệt, một trong những điểm được đánh giá rất tiến bộ của thông tư này chính là ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án. Bên cạnh đó, thông tư quy định nguyên tắc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án.

Về phương thức hỗ trợ đó là: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất. Riêng hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có thể lựa chọn hỗ trợ theo dự án hoặc hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng theo các quy định hiện hành.

Theo đó, căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng dự án trình lãnh đạo các cấp phê duyệt dự án, từ tên dự án, thời gian triển khai (tối đa không quá 3 năm), địa bàn thực hiện, số hộ tham gia đến các hoạt động của dự án, dự toán kinh phí thực hiện dự án, nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách và vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia mô hình), dự kiến hiệu quả của dự án và trách nhiệm của từng cơ quan thực hiện.

Cũng theo thông tư, tuỳ điều kiện cụ thể và khả năng huy động nguồn vốn hợp pháp khác để xem xét, quyết định thu hồi một phần kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) đã hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án, luân chuyển trên địa bàn thực hiện dự án cho phù hợp với từng mô hình và điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của từng hộ nghèo, bảo đảm nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia thực hiện mô hình.

Mặt khác, nội dung chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được thông tư quy định rất rõ ràng: Đối với các dự án do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện, chi tối đa 500 triệu đồng/dự án; đối với các dự án do địa phương thực hiện thì mức hỗ trợ cụ thể đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tính chất của từng dự án, mô hình và khả năng ngân sách của địa phương và chế độ, định mức chi tiêu hiện hành.

Địa phương chủ động cân đối ngân sách hỗ trợ giảm nghèo

Thông tư số 15/2017/TT-BTC quy định một cách cụ thể, khoa học và chặt chẽ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ngân sách trung ương bố trí kinh phí trong dự toán chi NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình. Đồng thời, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương chưa tự cân đối được NSNN và tỉnh Quảng Ngãi để triển khai các dự án của Chương trình và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương tự cân đối được ngân sách kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo các quy định trước đó.

Đối với ngân sách địa phương, thông tư quy định các địa phương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) tự cân đối 100% vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 -2020, trừ các địa phương có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Mức bố trí vốn tối thiểu bằng mức do trung ương hỗ trợ bình quân cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Bên cạnh đó, với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì chủ động bố trí kinh phí cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện nghèo, xã nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các địa phương bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương theo tỷ lệ là địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% đến dưới 70%, đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình; địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50%, đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Còn lại, các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% chủ động bố trí kinh phí và lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Tố Uyên