Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền, lợi ích đất nước Ngành Thuế đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng thuế tối thiểu toàn cầu Trình Quốc hội việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu

Áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là cần thiết

Đánh giá chung, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Bình Định), thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế và cũng không phải là cam kết quốc tế, nên không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam đang hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn 15%.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp
Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên họp tổ

Bên cạnh việc nhấn mạnh ban hành chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu là hết sức cần thiết, đại biểu Thích Đức Thiện (đoàn Bình Định) cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu để vừa đảm bảo lợi ích về thuế, nhưng cũng phải đảm bảo môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Khi thu thuế TNDN bổ sung nên có ưu tiên trở lại cho các tập đoàn, không phải bằng thuế mà bằng chính sách hướng theo mục tiêu Chính phủ đã và đang tập trung.

“Vừa qua trong chuyến công tác của Thủ tướng đi Mỹ, nhiều tập đoàn lớn muốn vào Việt Nam, nếu chúng ta không giải quyết nhanh thì có thể không đón được 'đại bàng'” - đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đồng tình cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Hơn thế nữa, đại biểu dẫn giải trình của Bộ Tài chính cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư với các quy định về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, đối xử đầu tư, bồi thường thiệt hại, trưng dụng, chuyển tiền và thế quyền của các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.

Vì vậy, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo đề nghị của Chính phủ.

“Điều này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận” - đại biểu nói thêm.

Đồng tình với các nội dung trong tờ trình của Chính phủ, đại biểu cũng đề nghị sau khi áp dụng thuế TNDN bổ sung, Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động của chính sách thuế TNDN bổ sung với NSNN, để từ đó cân đối lại NSNN trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp
Đại biểu Thích Đức Thiện phát biểu tại tổ

Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí đầu vào

Quyền lợi của nhà đầu tư khi ban hành thuế TNDN bổ sung là điều đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) quan tâm. Khẳng định việc ban hành quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là rất cần thiết, song đại biểu băn khoăn nếu chúng ta thực hiện thu thì ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư, vì họ mất đi ưu đãi trước đây đang được hưởng. Như vậy, nhà đầu tư sẽ băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư không, tính hấp dẫn với nhà đầu tư mới cũng bị ảnh hưởng.

Theo đại biểu, lý tưởng là ban hành song song 2 chính sách, vừa điều chỉnh thu, vừa ban hành chính sách ưu đãi, để không gây ra tác động về tư tưởng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện chính sách ưu đãi còn chưa được chuẩn bị kỹ. Trong khi đó, nếu không ban hành ngay chính sách này trong năm 2024, thì các nước, trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã áp dụng ngay từ năm 2024. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải ban hành ngay việc điều chỉnh mức thu trong năm 2024 bằng một Nghị quyết.

Liên quan đến hình thức Nghị quyết, có phải thí điểm hay không, đại biểu lưu ý nếu là thí điểm thì không đảm bảo quy chuẩn về ổn định chính sách, nên về bản chất là chính sách thí điểm nhưng đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách, không gọi tên là thí điểm, nhưng phải có thời hạn.

Về nội dung của Nghị quyết, đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải thể hiện được trong Nghị quyết là khi thu bổ sung thuế TNDN thì sẽ có chính sách ưu đãi khác để hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí đầu vào. “OECD mong muốn ưu đãi để giảm chi phí đầu vào chứ không phải bằng thuế, nên trong Nghị quyết này cần thể hiện tinh thần đó” - đại biểu nói.

Theo dự thảo Nghị quyết (Điều 7, khoản 2), trong trường hợp nhà đầu tư đề nghị chính sách ưu đãi thì giao cho Chính phủ thực hiện theo quy định pháp luật. Nếu nhà đầu tư không chấp nhận mức thuế bổ sung 15% thì Chính phủ áp dụng ưu đãi đã ban hành trước đây. Việc này giải quyết cho trường hợp nhà đầu tư không chấp nhận nộp chênh lệch thuế tại Việt Nam mà muốn nộp về nước mẹ.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy định này đảm bảo an toàn, không bị khiếu kiện. Tuy nhiên, điều này có thể không đảm bảo theo quy định của OECD, theo đó phải quy định rõ việc nộp thuế ở đâu. Do đó, đại biểu đề nghị sửa khoản 2, điều 7 theo hướng yêu cầu 100% doanh nghiệp phải áp dụng quy định nộp thuế bổ sung, để đảm bảo tính chắc chắn của luật pháp, tránh khả năng OECD bác bỏ.

Tuy nhiên, nên bổ sung thêm một câu là Chính phủ phải nghiên cứu thay đổi chính sách đầu tư cho phù hợp sự thay đổi này. Việc này mang tính chất là làm tín hiệu cho nhà đầu tư biết khi áp dụng thuế bổ sung này, thì tới đây sẽ có các chính sách hỗ trợ khác.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu Tạ Thị Yên tin tưởng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành mình, địa phương mình…

Để từ đó, quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được diễn ra một cách thuận lợi, nhất là đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.